An Giang tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong doanh nghiệp

19/05/2021 - 04:02

 - Tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở mức cao hơn trong môi trường có đông công nhân, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) diễn ra bình thường, các DN đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế, công đoàn… theo giải pháp được khuyến cáo, hướng dẫn phù hợp với tình hình trong khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.

 Đầu tháng 5-2021, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh có văn bản yêu cầu các DN tổ chức triển khai thực hiện và tuyên truyền đến người lao động (NLĐ) thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về việc quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam (tỉnh An Giang). Cùng với đó là tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện cách ly tập trung, bàn giao sau kết thúc cách ly và quản lý sau cách ly tập trung tại nhà, nơi lưu trú. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh còn yêu cầu các DN, công ty tiếp tục quán triệt tinh thần chống dịch mức độ cảnh giác cao nhất, không được chủ quan, lơ là trong tình hình hiện nay.

Hầu hết các DN trong khu công nghiệp đều quan tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, như: yêu cầu NLĐ thực hiện nghiêm thông điệp “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) của Bộ Y tế, đeo khẩu trang khi đến công ty, DN làm việc. Một số công ty hỗ trợ cho NLĐ 2 cái khẩu trang/tháng, hàng ngày, NLĐ được kiểm tra đo thân nhiệt trước khi vào công ty, xưởng làm việc; xịt nước rửa tay kháng khuẩn cho NLĐ và khách hàng, chia bữa ăn ca thành nhiều đợt, tạo vách ngăn trong nhà ăn tập thể…

Đồng thời các công ty tận dụng kênh tuyên truyền từ mạng xã hội Facebook, Zalo để cập nhật tình hình dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh qua hệ thống loa phát thanh nội bộ, niêm yết số điện thoại của cán bộ y tế xã, huyện và treo băng-rôn, áp-phích ở nhiều vị trí trong công ty, bố trí phòng cách ly tạm thời…

Công nhân lao động tuân thủ đeo khẩu trang khi làm việc trong nhà máy

Điển hình tại Khu công nghiệp Bình Hòa, hiện có 7 DN hoạt động với trên 10.000 lao động, đa số là DN có vốn đầu tư nước ngoài luôn nêu cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh. Tại Công ty TNHH An Giang Samho, để NLĐ chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang, DN quy định rất nghiêm ngặt: nếu NLĐ không có khẩu trang thì không được vào nhà máy, trong quá trình làm việc nếu tháo khẩu trang sẽ bị mời ra khỏi nhà máy.

Toàn công ty có 7.513 công nhân lao động, đảm bảo 100% lao động trước khi vào nhà máy đều được kiểm tra thân nhiệt. Nhà máy bố trí đội ngũ nhân viên vào mỗi buổi sáng để xịt nước rửa tay khử khuẩn cho NLĐ vào làm việc, đồng thời bố trí thêm nước rửa tay tại các nhà vệ sinh, bếp ăn. Trước đây 1 ngày công ty có 9 ca cơm, hiện tại đã tách thành 12 ca để đảm bảo công nhân ăn giữa ca được an toàn. Kể cả việc quét thẻ chấm công hoặc thẻ nhận cơm, công ty cũng vẽ vị trí để công nhân lần lượt đứng theo khoảng cách.

Ngoài các khu công nghiệp, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều DN có đông công nhân lao động. Để thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, các DN đã tích cực phổ biến về 38 rủi ro lây nhiễm COVID-19, 14 vi phạm liên quan công tác phòng, chống dịch cùng thông điệp “9K”: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế - kiểm soát biên giới - khu cách ly an toàn - không ra khỏi nhà khi không cần thiết - không đăng tải thông tin sai sự thật. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn nhấn mạnh đến các mức phạt đối với các hành vi có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với công nhân.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thiết kế mẫu hướng dẫn thành lập “Tổ an toàn COVID-19” trong DN, được Liên đoàn Lao động tỉnh chuẩn bị triển khai đến cơ sở. Trong đó, yêu cầu mỗi tổ có ít nhất 3 người, thành viên là lao động trực tiếp làm việc tại tổ sản xuất, am hiểu về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, lực lượng nòng cốt là thành viên mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở cơ sở (nếu có).

Ngoài thực hiện các biện pháp tuyên truyền khác, đây là lực lượng đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân lao động thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc. Ngoài ra, tổ còn có trách nhiệm báo cáo các trường hợp công nhân lao động vi phạm về công tác phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ DN, cơ quan chức năng truy vết các trường hợp F1, F2 hoặc các trường hợp khẩn cấp khi DN có người mắc bệnh hoặc phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong DN liên tục được cơ quan chức năng cấp tỉnh, địa phương theo dõi, kiểm tra, đồng thời nhắc nhở thêm những nội dung cần bổ sung, chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn trong môi trường sản xuất, làm việc.

MỸ HẠNH