An Giang tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết

11/09/2023 - 06:36

 - Đầu năm 2023 đến nay, An Giang ghi nhận 3.171 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) Dengue, trong đó có 155 ca nặng, chưa có ca tử vong; bệnh tay - chân - miệng (TCM) có 2.436 ca, trong đó có 191 ca nặng, ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Hiện đang vào mùa mưa, số ca mắc SXH các huyện tăng nhẹ, trong khi dịch bệnh TCM đang “nóng” với nhiều ca bệnh nặng, dự báo sẽ bùng phát, tỉnh đang tăng cường các giải pháp chủ động phòng chống.

Điều trị trẻ mắc sốt xuất huyết, tay - chân - miệng tại Bệnh viện Sản-Nhi An Giang

Tại huyện Thoại Sơn ghi nhận 144 ca mắc SXH, 34 ổ dịch, giảm 925 ca so cùng kỳ, trong đó có 3 ca nặng; bệnh TCM có 356 ca mắc, tăng 98 ca so cùng kỳ 2022, có 50 ổ dịch, tăng 17 ổ dịch, đã có 1 trường hợp mắc TCM tử vong tại xã Bình Thành. BS Trần Ngọc Điệp (quyền Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn) thông tin: “Địa phương đã xây dựng và triển khai kế hoạch “Bàn tay sạch - phòng chống dịch bệnh”; thực hiện tốt công tác giám sát ca bệnh, ổ dịch. Các ổ dịch đều được tập trung xử lý đúng quy trình, số ca mắc tại khu vực ổ dịch được khống chế.

Đồng thời, giám sát việc áp dụng các giải pháp phòng bệnh TCM tại các điểm trường mẫu giáo, mầm non, điểm giữ trẻ, kể cả các điểm giữ trẻ tư nhân... Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân còn chủ quan trong phòng bệnh theo khuyến cáo, như: Chưa kiểm tra, xử lý lăng quăng hàng tuần tại hộ gia đình, chưa chú trọng rửa tay sạch trước trong và sau chăm sóc trẻ…”.

Tại huyện An Phú, ghi nhận 227 ca SXH (38 ca nặng), có 81 ổ dịch, giảm 818 ca so cùng kỳ; TCM có 103 ca, giảm 36 ca. BS.CKII Trần Văn Sang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Phú cho biết: “Huyện đã thực hiện 7 đợt chiến dịch diệt lăng quăng, 14/14 xã, thị trấn tổ chức lễ mít-tinh phát động chiến dịch diệt lăng quăng tại 14 ấp có số ca mắc cao; thực hiện vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi 81 ổ dịch nhỏ; phối hợp phát thanh và phát thanh lưu động phòng, chống dịch bệnh”.

BS.CKII Tôn Quang Chánh, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi An Giang cho biết, bệnh viện dự trù và bảo đảm đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, các thuốc thiết yếu sử dụng trong cấp cứu và điều trị; hội chẩn với tuyến trên các trường hợp khó, ca bệnh nặng...

Theo Sở Y tế An Giang, số ca mắc SXH Dengue hàng tuần còn trong ngưỡng dự báo dịch, tuy nhiên đang vào mùa mưa, thời tiết phù hợp cho muỗi, lăng quăng phát triển, dịch có khả năng bùng phát, một số địa phương sẽ tiếp nhận 2 dịch xảy ra cùng lúc (dịch chồng dịch). Dịch TCM có chiều hướng gia tăng (32-100 ca/tuần), số ca mắc đã vượt ngưỡng dự báo dịch và đang tiếp tục gia tăng các tuần gần đây.

Đồng thời, sự xuất hiện của chủng virus EV71 (chiếm 71,3%) và phân bố các huyện trên địa bàn tỉnh. Dự báo, dịch sẽ bùng phát mạnh trong thời gian tới, nhất là mùa tựu trường, đặt ra thách thức cho công tác dự phòng và điều trị đối với nhóm trẻ dưới 5 tuổi.

Trước tình hình số ca mắc TCM và SXH Dengue nặng có chiều hướng gia tăng, tới đây, Sở Y tế An Giang phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang thành lập đoàn kiểm tra, giám sát tại trường học và cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất chống dịch; tăng cường truyền thông nhắc nhở người dân thực hiện diệt lăng quăng phòng, chống SXH; người dân, người nhà bệnh nhân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ; phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng, hạn chế tử vong. Ngành y tế tiếp tục giám sát ca bệnh truyền nhiễm; xử lý triệt để ổ dịch; phối hợp kiểm tra cơ sở nuôi giữ trẻ, kịp thời phát hiện ca bệnh...

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị y tế thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh và đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp. Thu nhận mẫu bệnh phẩm xét nghiệm TCCM từ độ 2B trở lên của các đơn vị gửi về Viện Pasteur (TP. Hồ Chí Minh). Đồng thời, giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh hằng ngày tại khoa khám, chữa bệnh và cộng đồng, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay trong vòng 48 giờ khi phát hiện ca tản phát hoặc ổ dịch TCM, SXH Dengue. Củng cố các đội chống dịch cơ động; truyền thông phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng và các trường học; nhất là các nhà trẻ, mẫu giáo...

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang Trần Thị Ngọc Diễm, đơn vị đã có công văn chỉ đạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh TCM tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo; phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường; hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tại các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như: Điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học... Vận động phụ huynh học sinh thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà bông, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi sạch cho trẻ. Quản lý tốt sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.

Dự báo thời gian tới, nhất là vào mùa mưa bão và mùa tựu trường, bệnh SXH, TCM có thể tăng cao nếu không có các biện pháp phòng, chống và giải pháp kịp thời. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện vệ sinh môi trường, nhà cửa, cá nhân; thực hiện 3 sạch (ăn sạch, uống sạch và chơi đồ chơi sạch); tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn chủ động phòng, chống bệnh TCM tại các trường học.

Khi có dấu hiện nghi ngờ mắc SXH, TCM, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời; tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

HẠNH CHÂU