Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa giông, kèm lốc, sét và gió giật mạnh cũng như các hình thái thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra, Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (gọi tắt là Ban Chỉ huy) tỉnh An Gianh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết. Từ đó, thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên để nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gia cố, chằn chống, tu sửa nhà ở, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng để tăng độ vững chắc. Cắt tỉa cây xanh, cây to có nguy cơ đổ ngã; kiểm tra các biển hiệu, pa-nô, biển quảng cáo có khả năng mất an toàn. Tổ chức kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống. Đặc biệt, bố trí lực lượng xung kích cấp xã, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân. Tổ chức kịp thời các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả.
Khắc phục thiệt hại nhà cửa do giông lốc
Theo Ban Chỉ huy tỉnh, khi gặp cơn giông tại một nơi trống trải, cần tránh xa tất cả thiết bị hay trụ kim loại, có thể trú ẩn dưới một tòa nhà bằng đá/gạch. Khi không tìm thấy nơi trú ẩn, phải cúi rạp người xuống đất... Không được để bất cứ vật gì, nhất là khi vật đó làm bằng kim loại lên quá đầu người. Không được tránh giông dưới gốc cây hoặc lùm cây... Khi cơn giông tới và bạn đang ở trong nhà phải tránh động vào những vật kim loại trong nhà, cấm dùng đồ điện tử khi có giông; hạn chế dùng đường điện thoại cố định (có thể dùng điện thoại di động trong nhà khi mưa giông)...
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do giông lốc gây ra đối với nhà ở, Ban Chỉ huy tỉnh hướng dẫn thực hiện một số biện pháp cơ bản. Đối với nhà ở đã xây dựng, đóng kín các cửa và khe hở trước khi giông lốc. Đóng và gài chặt các cửa đi, cửa sổ để đề phòng gió giật mạnh làm bung cửa, không cho gió luồn vào bên trong nhà gây tốc mái. Dán các cửa kính bằng băng keo dính bản rộng để hạn chế vỡ kính.
Cách thả bao cát giằng mái tole: Xếp trực tiếp các bao cát lên mái. Lượng cát trong bao lỏng, trọng lượng từ 15-20kg đặt lên mái tole ở đầu tấm tole hoặc mép tiếp giáp của các tấm tole (trên các xà gồ thép hoặc đòn tay) cách nhau 1,5-2m ở vùng giữa mái nhà và 1,0-1,5m ở vùng quanh mái nhà (đặt gần xà gồ hoặc vì kèo). Đối với nhà 2 mái, buộc bao cát vào dây vắt qua đỉnh mái để chống trôi, trượt bao cát. Tháo, dỡ xuống khi hết mùa mưa bão.
Dùng thép thanh đường kính lớn hơn 14mm, thép góc, gỗ, tre... đặt lên mái các thanh nẹp cách nhau khoảng từ 1,5-2m đối với mái tole (nên nẹp giữa phần phủ chồng giữa 2 tấm tole và ngay xà gồ hoặc đòn tay). Bắt vít cường độ cao hoặc đục lỗ tại các đỉnh sóng tấm tole, luồng dây thép hoặc dây chì đường kính 2mm buộc thanh nẹp vào xà gồ hoặc đòn tay cách nhau khoảng 0,5-0,7m. Cách dùng giằng chữ A và dây neo cho mái nhà (nhà 2 mái): Đặt các thanh chặn ngang bằng tre, gỗ, thép lên trên mái cách nhau 1m (ngay các vị trí xà gồ hoặc đòn tay của mái nhà). Đặt tiếp các thanh giằng chữ A bằng tre, gỗ, thép lên trên vuông góc với các thanh giằng ngang, cách nhau 2,5-3m, buộc thanh chặn vào giằng ngang bằng dây thép hoặc dây thừng. Dùng dây thép hoặc dây thừng neo giằng chữ A vào các cọc đóng xuống đất sâu 1,0-1,5m.
Đối với nhà mới xây, nhà chuẩn bị xây dựng mới cần chú trọng: Khi thiết kế nhà nên bố trí có đủ cửa trước và cửa sau để bảo đảm gió vào nhà không lồng gây tốc mái. Nếu chỉ bố trí được cửa chính, không bố trí được cửa sau thì buộc phải đóng kín nhà trước khi gió lốc đến.
Đối với nhà tường: Phải có thép neo (đường kính thép 6mm) xà gồ vào tường vách nhà. Tốt nhất nên có bố trí giằng mái. Đối với nhà gỗ, tiền chế thép: Phải khóa đòn tay với vì kèo và vì kèo với cột bằng mối hàn chắc chắn. Phải dùng thanh nẹp để nẹp gia cường cho mái tole. Sản xuất lắp dựng mái hiên (mái kết) phải rời khỏi mái nhà chính, để hạn chế ảnh hưởng khi giông lốc của mái hiên đến mái nhà chính.
HẠNH CHÂU