An Giang tăng tốc các công trình giao thông trọng điểm

27/08/2024 - 04:39

 - Việc đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm vừa góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo không gian, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, vừa đóng góp vào tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (vốn giao thông chiếm tỷ trọng lớn). Yêu cầu cần thiết hiện nay là tháo gỡ các vướng mắc về cung ứng nguồn nguyên liệu cát, tạo thuận lợi cho các công trình.

Khẩn trương thi công

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là công trình giao thông trọng điểm quốc gia - một trong những công trình lớn được Chính phủ phân cấp quản lý, giao cho UBND các tỉnh làm chủ đầu tư dự án thành phần qua địa bàn tỉnh mình.

Tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên của vùng ĐBSCL dài 188,2km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 44.691 tỷ đồng, xuất phát từ vùng kinh tế cửa khẩu An Giang, qua TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang rồi nối xuống cảng biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), tạo hành lang kinh tế và mở ra không gian phát triển rất lớn cho vùng.

Hiểu được ý nghĩa quan trọng của công trình này nên đối với dự án thành phần 1 (qua tỉnh An Giang, dài 57km, tổng vốn đầu tư 13.799 tỷ đồng), tỉnh tạo mọi điều kiện để đẩy nhanh tiến độ thi công, nỗ lực hoàn thành vào đầu năm 2027 theo kế hoạch. Mới đây, dự án được bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng cho phân kỳ đầu tư năm 2024, dù tạo thêm áp lực giải ngân vốn đầu tư công nhưng cũng là động lực tăng tốc cho dự án.

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, cả 4 gói thầu xây lắp của dự án đều đang khẩn trương thi công, hiện vượt tiến độ so kế hoạch.

Tương tự, dự án liên kết vùng Tân Châu - Châu Đốc (tuyến N1) có tổng chiều dài 20,96km, cũng là dự án quan trọng của tỉnh, kết nối liên kết vùng Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang. Trong số 3 cây cầu trên tuyến (cầu Châu Đốc, cầu Thần Nông và cầu Mương Tri), cầu Châu Đốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác, các gói thầu còn lại đang được thi công khẩn trương.

Kết nối các địa phương

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Ngô Công Thức cho biết, đối với các tuyến đường tỉnh có vai trò kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương, được chủ đầu tư, nhà thầu khắc phục khó khăn để triển khai thực hiện.

Đối với dự án nâng cấp Đường tỉnh 949 (TX. Tịnh Biên, chiều dài 18,7km, tổng mức đầu tư 496 tỷ đồng), trong 3 gói thầu thi công, gói thầu số 20 đạt tiến độ 73,15%, gói thầu số 21 đạt 76,25%, còn gói thầu số 22  (cầu Pô Thi, cầu Cây Đuốc và đường vào 2 cầu) đã thi công hoàn thành. Trong khi đó, dự án nâng cấp, mở rộng khẩn cấp Đường tỉnh 948 (tổng mức đầu tư 996 tỷ đồng, dài 16,3km, nối Tịnh Biên - Tri Tôn), tiến độ thi công hiện đạt 37,65%.

Đối với dự án nâng cấp Đường tỉnh 958 (tuyến Tri Tôn - Vàm Rầy, tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng, chiều dài 18,8km), trong 3 gói thầu của dự án, tiến độ gói thầu số 16 và số 17 thi công cơ bản hoàn thành, còn gói thầu số 18 thi công đạt 64%.

Với dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh An Giang - Kiên Giang (Đường tỉnh 945, tổng mức đầu tư 1.803 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến là 40,55km, đường cấp IV đồng bằng), giai đoạn 1 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; giai đoạn 2 (gói thầu số 14) thi công đạt 94%; giai đoạn 3 đã hoàn thành gói thầu số 32 (thi công các hạng mục cầu), gói thầu số 35 thi công đạt 38%.

Khó khăn của dự án là còn vướng giải phóng mặt bằng 23 hộ, mặt bằng thi công chưa liền tuyến, ngắt đoạn nên chưa thể bố trí tổ hợp thiết bị để thi công đồng bộ, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Trong khi đó, dự án nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 943 (tổng mức đầu tư 104 tỷ đồng, dài 14,7km, đoạn từ cầu Thoại Giang đến cầu Mướp Văn, huyện Thoại Sơn), gói thầu số 15 thi công đạt 82%, gói thầu số 16 đạt 59%.

Đối với công trình láng nhựa đường vòng xã Bình Thủy (huyện Châu Phú, tổng mức đầu tư gần 33,6 tỷ đồng, dài gần 9,6km), tiến độ đạt 30%; dự án nâng cấp đường Nam Cần Thảo (tổng mức đầu tư hơn 33,56 tỷ đồng, dài 20,6km, từ Quốc lộ 91 đến rừng tràm Trà Sư, TX. Tịnh Biên), tiến độ đạt 6,2%...

Gỡ vướng mắc nguồn cát

Bên cạnh công tác giải phóng mặt bằng, phần lớn các công trình giao thông hiện nay đều gặp khó khăn về nguồn cát. UBND huyện Chợ Mới cho biết, dự án đường Long Điền A-B (tổng mức đầu tư 499 tỷ đồng, dài 27,2km và các đoạn nhánh đấu nối hơn 3,5km) là công trình có ý nghĩa quan trọng với huyện. Tuyến đường thiết kế đạt cấp III đồng bằng, bề rộng nền đường 12m, đã khởi công từ tháng 8/2022.

Tuy nhiên, khi tiến độ mới đạt 6%, dự án đang tạm ngưng thi công do nguồn cát san lấp mặt bằng để tôn cao nền đường khan hiếm (2 mỏ cát được UBND tỉnh chỉ định hiện đã ngưng khai thác), dự án còn vướng mặt bằng do tăng chi phí bồi hoàn.

Với công trình trọng điểm quốc gia như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dù đã được UBND tỉnh An Giang cấp phép, giao mỏ cát cho nhà thầu thi công, nhưng do hạn chế số lượng phương tiện khai thác nên chậm tiến độ cung cấp cát cho công trình. Các nhà thầu hiện tập trung thi công phần cầu, cống trên tuyến để bù tiến độ. Dự án còn gặp khó khăn do tiến độ cung cấp đá của Công ty TNHH Liên doanh Antraco (huyện Tri Tôn) bị hạn chế.

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ các công trình giao thông trọng điểm, UBND tỉnh đã có văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương đề nghị hướng dẫn thực hiện đối với các quy định còn chồng lấn, chưa rõ ràng, đặc biệt là quy định theo luật hiện hành và quy định theo cơ chế đặc thù cho các công trình cao tốc.

Các vướng mắc về việc có phải lập thủ tục thuê đất mặt nước; tiêu chí khoanh định khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; xác định chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù... cần được hướng dẫn cụ thể để tỉnh làm cơ sở thực hiện theo đúng quy định.

Ngày 20/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2024/NĐCP, thay thế Nghị định 159/2018/NĐ-CP, ngày 28/11/2018 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Đây là lối mở mới để bổ sung nguồn cát cho các công trình trọng điểm hiện nay. UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ GTVT xem xét, công bố danh mục khu vực nạo vét luồng đường thủy nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT để sớm tổ chức nạo vét thu hồi khoáng sản, phục vụ cho các dự án trọng điểm ngành GTVT.

HOÀNG XUÂN