An Giang tăng tốc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI)

03/06/2020 - 04:54

 - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho biết: “Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của tỉnh tăng 7 bậc so năm 2018, với 66,44 điểm (tăng 2,79 điểm), xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố và thuộc nhóm điều hành “khá”. Đây là tiền đề khả quan để tỉnh thực hiện việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2020.

Cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng: “An Giang đã và đang thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (Bộ chỉ số DDCI) tỉnh An Giang năm 2020. Đến quý I-2021 sẽ công bố kết quả của năm 2020. Thời điểm công bố là thời điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Khi triển khai nghị quyết gắn với kết quả DDCI là động lực để các sở, ban, ngành, địa phương nỗ lực hơn, tạo khí thế cho nhiệm kỳ mới”.

Trước đó, ngày 25-2-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng phê duyệt Bộ chỉ số DDCI tỉnh An Giang năm 2020. Cụ thể, đối với cấp sở, ban, ngành gồm 5 chỉ số thành phần: hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch; chất lượng dịch vụ công; minh bạch thông tin và đối xử công bằng; tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo; chi phí không chính thức. Đơn vị được đánh giá là 22 sở, ban, ngành.

Đối với 11 huyện, thị xã, thành phố gồm 10 chỉ số thành phần: chi phí gia nhập thị trường; khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh; chất lượng dịch vụ công trong cấp phép và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra; tính năng động, tiên phong của lãnh đạo huyện; hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình; minh bạch thông tin và đối xử công bằng; hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công và hiệu quả của bộ phận “một cửa”; hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh; chi phí không chính thức; hiệu quả của công tác an ninh trật tự đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn. UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai, tổ chức thực hiện.

Ngày 8-4-2020, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Thành Nhơn đã công bố Bộ chỉ số DDCI tỉnh năm 2020. Mục tiêu nhằm xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền các địa phương với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Cung cấp một công cụ hiệu quả để giám sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố. Xác định được những thực tiễn tốt để nhân rộng ra các đơn vị, cơ quan khác. Cải thiện hiệu quả của đơn vị mình, nhận diện rõ những điểm mạnh cần phát huy và các điểm yếu cần khắc phục.

Mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao chất lượng điều hành, quản lý kinh tế ở tỉnh, qua đó nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, mang lại lợi ích trực tiếp cho DN và nhà đầu tư, đóng góp gián tiếp cho việc cải thiện chỉ số PCI. Tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy từ cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) tới chính quyền địa phương và sở, ngành.

Những năm gần đây, tiếp nối sự thành công của Chỉ số PCI, tỉnh có nhiều hành động thiết thực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh một cách thực chất, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh theo quan điểm của Chính phủ.

Tuy nhiên, thời gian qua, kết quả năng lực cạnh tranh của tỉnh (đo lường thông qua PCI còn khá khiêm tốn), có cải thiện nhưng chưa đạt được hiệu quả mang tính bền vững. Tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết những tiềm năng để có thể bứt phá và phát triển, tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển dẫn đến môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh giảm sút.

Để có thể bứt phá vươn lên mạnh mẽ, phát triển bền vững, An Giang cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, đổi mới sáng tạo trong thu hút đầu tư phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Thực trạng này đặt ra các vấn đề cần giải quyết đối với An Giang. Đó là khó có thể có những cải thiện bền vững và mang tính lan tỏa giữa các địa phương, nếu không có tính kết nối và tinh thần “thi đua” giữa các địa phương. Chưa có kết quả cải thiện môi trường kinh doanh mang tính đối chiếu nào giữa các huyện, thị xã, thành phố.

Để tận dụng tối đa tiềm năng, đưa địa phương tiếp tục phát triển, thu hút đầu tư từ các DN, khuyến khích sự phát triển của khối hộ kinh doanh và hợp tác xã thì nâng cao năng lực cạnh tranh là nội dung quan trọng. Bởi DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã... cũng là nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ sở SXKD tại An Giang. Các cơ sở SXKD này một mặt góp phần gia tăng giá trị GRDP của tỉnh. Mặt khác là tác nhân chính tạo việc làm cho người dân, trong đó có một tỷ lệ lớn các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội như: phụ nữ, người dân tộc thiểu số…

Lần đầu tiên thực hiện DDCI, An Giang sẽ tập hợp tiếng nói của các cơ sở SXKD tại tỉnh, đưa gần hơn đến với các sở, ban, ngành và lãnh đạo địa phương một cách hệ thống, có sự đối chiếu nhất định. Thông qua kết quả trên, các đơn vị, địa phương sẽ có những đánh giá, điều chỉnh thích hợp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Với quyết tâm chính trị cao và mong muốn tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh và xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2019-2021.

 

HẠNH CHÂU