An Giang tăng trách nhiệm điều hành, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

06/07/2023 - 06:53

 - Cùng với chủ động triển khai Chương trình công tác năm 2023, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), Kịch bản tăng trưởng kinh tế, Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Dựa vào điều kiện thực tế, UBND tỉnh có các văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển KTXH, tạo nên những điểm sáng để hoàn thành nhiệm vụ cả năm 2023.

Tạo dựng niềm tin

Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê KTXH 6 tháng đầu năm 2023, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh An Giang Huỳnh Quang Minh cho biết, 6 tháng qua, nhiều ngành kinh tế của tỉnh đã khôi phục mạnh mẽ; các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh biên giới được đảm bảo. KTXH của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng.

Với kết quả tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước tăng 6,5% so cùng kỳ 2022 (cùng kỳ tăng 4,9%), tăng trưởng của An Giang đứng thứ 4/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (chỉ xếp sau 3 tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu).

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nền kinh tế, khi 2 mặt hàng chủ lực (lúa gạo và cá tra) có đóng góp lớn vào giá trị kim ngạch xuất khẩu, với mức tăng 3,29% so cùng kỳ 2022. Trong khi đó, ngành công nghiệp tăng 10,5%; khu vực dịch vụ có mức tăng 8,17%, nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại, nhất là du lịch tăng mạnh.

Qua khảo sát cộng đồng doanh nghiệp (DN), cho thấy niềm tin và sự lạc quan của DN có xu hướng tăng lên. Cuối quý I/2023, chỉ có 27,72% số DN cho rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn quý I, trong khi 37,1% cho rằng giữ nguyên, còn 35,48% cho rằng khó khăn. Cuối quý II, có đến 40,32% số DN cho rằng sẽ tốt hơn, 43,55% cho rằng vẫn giữ nguyên, trong khi chỉ có 16,13% số DN cho rằng sẽ khó khăn hơn. Đối với dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới ngành chế biến, chế tạo, hiện có 32,76% số DN cho là tăng lên (quý trước là 24,56%), 50% số DN cho là giữ nguyên (quý trước 31,58%), 17,24% số DN cho là giảm đi (quý trước 43,86%).

Vào cuộc quyết liệt

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Nghị quyết 42/NQ-HĐND, ngày 13/12/2022 của HĐND tỉnh An Giang về nhiệm vụ KTXH năm 2023.

Trong điều kiện biến động giá cả, thị trường, An Giang tập trung sản xuất, ổn định phát triển kinh tế. Đồng thời, tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội, hoạt động văn hóa, kích cầu tiêu dùng và du lịch, như: Đăng cai Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL, ký kết quảng bá du lịch An Giang trên nền tảng TikTok, quảng bá sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh ở các hội chợ, diễn đàn thương mại toàn quốc...

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng, UBND tỉnh An Giang đã thành lập 3 đoàn kiểm tra công trình trọng điểm năm 2023, do 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn để tiến hành kiểm tra, theo dõi sát sao tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, các dự án có vướng mắc để kịp thời xử lý.

Đồng thời, UBND tỉnh còn thành lập Tổ công tác xử lý khó khăn, vướng mắc của các dự án, do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng. Vào ngày thứ tư hàng tuần, Tổ công tác sẽ họp xử lý các khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý, nhằm đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt này, nếu như những tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của An Giang luôn thấp hơn bình quân cả nước, thì đến ngày 22/6/2023, đã giải ngân 2.466 tỷ đồng, đạt 30,36% so tổng vốn 8.124 tỷ đồng phân bổ năm 2023, cao hơn bình quân cả nước (28,11%). Đây là nỗ lực rất lớn bởi 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân của tỉnh chỉ đạt 19,95%.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Năm 2023, An Giang đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP tăng từ 7 - 7,5%. Theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh An Giang Huỳnh Quang Minh, để đạt mục tiêu này, tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải tăng 7,45%.

Tỉnh phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN. Đồng thời, tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng để các nhà đầu tư, DN cùng đồng hành, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, tỉnh đang tập trung thực hiện Nghị quyết 58/NQ-CP, ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Cùng với tập trung tối đa nguồn lực cho Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) và các dự án trọng điểm của tỉnh, An Giang còn triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 08/CT-TTg, ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

UBND tỉnh An Giang tiếp tục thúc đẩy hợp tác phát triển KTXH với tỉnh Kiên Giang và TP. Cần Thơ; cụ thể hóa các kế hoạch đã ký kết hợp tác giữa An Giang với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Đồng Tháp về phát triển các sản phẩm, tổ chức sự kiện, hoạt động cụ thể, thiết thực

 

NGÔ CHUẨN