An Giang tập trung cao độ cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia

23/08/2022 - 07:10

 - Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, HĐND tỉnh An Giang khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) đã thông qua nhiều nghị quyết liên quan đến phân bổ vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Những nội dung này có tính chất quyết định đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và giai đoạn dài hơi.

Ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 698/CĐ-TTg, nhắc lại: Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững; phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư. Đến nay, gần 80 văn bản pháp lý và kế hoạch nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 được ban hành, làm cơ sở để các cơ quan, địa phương phân bổ, giao kế hoạch vốn và triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai các chương trình vẫn còn chậm, trong khi kế hoạch vốn phải giải ngân rất lớn, riêng vốn ngân sách Trung ương năm 2022 đã hơn 34.000 tỷ đồng. Để tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh (Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương) đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ, khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thêm nhiều nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025

Trong đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương trình HĐND cấp tỉnh thông qua nghị quyết và thực hiện phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình; hoàn thành việc xây dựng, ban hành văn bản quản lý, điều hành tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương theo quy định.

Đồng thời, xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được giao thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của năm 2022; phấn đấu hoàn thành 100% tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 đảm bảo hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

Theo Quyết định 652/QĐ-TTg, ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh An Giang hơn 747 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững gần 260 tỷ đồng; chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi (giai đoạn I) gần 167 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh An Giang đã thống nhất, đối với chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025, nguồn ngân sách địa phương đối ứng hơn 2.240 tỷ đồng, nâng tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn chương trình này lên gần 3.000 tỷ đồng. Các đầu công việc bao gồm: Phân bổ hỗ trợ đầu tư cho 2 huyện thực hiện bộ tiêu chí huyện NTM; 33 xã điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM (giai đoạn 2021-2025); 60 xã đạt chuẩn NTM (trước năm 2021), phấn đấu duy trì nâng chất bộ tiêu chí; 23 xã còn lại phấn đấu hoàn thành NTM sau năm 2025.

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, ngân sách địa phương bố trí đối ứng tối thiểu bằng 10% tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ (tương ứng gần 26 tỷ đồng). Từ nguồn vốn Trung ương và địa phương (hơn 285 tỷ đồng), An Giang thực hiện 2 dự án: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KTXH huyện nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Ngoài ra, 5 dự án khác được bố trí hàng năm từ nguồn vốn sự nghiệp.

Đối với chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I, ngân sách địa phương bố trí đối ứng tối thiểu bằng 10% tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ (tương ứng hơn 16,6 tỷ đồng). Từ nguồn vốn Trung ương và địa phương (hơn 183 tỷ đồng), tỉnh thực hiện 5 dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, gắn với phát triển du lịch; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ngoài ra, 5 dự án khác được bố trí hàng năm từ vốn sự nghiệp.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng thông qua kế hoạch phân bổ vốn năm 2022 đối với 3 chương trình. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đề nghị: “UBND tỉnh sớm chỉ đạo sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ triển khai, phối hợp thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của HĐND tỉnh đã được thông qua, đảm bảo công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật. Trong đó, phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh theo quy định, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; góp phần quan trọng để thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025. Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các ban, tổ, đại biểu HĐND tỉnh, UBMTTQVN, tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân tỉnh nhà tăng cường giám sát việc thực hiện nghị quyết, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả”.

“Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nếu để chậm tiến độ phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương hoàn thành việc kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc ban chỉ đạo các cấp thống nhất, đồng bộ theo quy định của pháp luật và phù hợp điều kiện thực tế” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị.

GIA KHÁNH