Kinh tế - xã hội An Giang tăng trưởng khá
Những kết quả phấn khởi
Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu tác động rất lớn. Xuất khẩu cá tra, xoài, chuối… ngay lập tức gặp khó. Nhận thấy nhu cầu các nước tăng dự trữ lương thực để ứng phó dịch bệnh, ngành nông nghiệp An Giang đã tập trung bảo vệ sản xuất lúa nhằm tăng giá trị ngành hàng lúa gạo, bù đắp một số ngành hàng khác. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng lúa được hơn 508.465ha, đạt 82,81% so kế hoạch năm 2020, tổng sản lượng được hơn 2,81 triệu tấn, tuy giảm gần 6.800 tấn so cùng kỳ 2019 nhưng nhờ giá lúa duy trì ở mức cao nên tăng trưởng ngành hàng lúa, gạo khá tốt.
Trong chăn nuôi, do tâm lý còn e ngại tái đàn cộng với giá thức ăn, giá heo giống tăng cao (từ 2-3 triệu đồng/con heo giống 10kg) nên việc tái đàn heo còn chậm. Đàn heo hiện nay ước có 70.000 con, bằng 78,58% so cùng kỳ 2019. Bù lại, nhờ thị trường tiêu thụ và giá bán ổn định nên chăn nuôi gia cầm có hiệu quả kinh tế, được duy trì tốt. Ước tính, đàn gia cầm có khoảng 4,7 triệu con, bằng 100,52% so cùng kỳ.
Theo Sở Công thương, tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến nay đang dần phục hồi sản xuất. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng của năm 2020 tăng 3,9% so cùng kỳ. Dù chịu tác động dịch bệnh nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 81.299 tỷ đồng, tăng 1,41% so cùng kỳ. Năm nay được coi là 1 năm khó khăn cho du lịch nhưng trong 8 tháng, toàn tỉnh vẫn đón được hơn 4,8 triệu lượt khách (giảm 40% so với cùng kỳ), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 3.060 tỷ đồng (đạt 77% kế hoạch năm 2020, giảm 34% so cùng kỳ).
Tính chung trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu của An Giang được 603,33 triệu USD, đạt 64,87% kế hoạch năm 2020 (930 triệu USD), tăng 3,54% so cùng kỳ năm 2020. Đây là kết quả khá ấn tượng trong khó khăn chung. Trong đó, thủy sản xuất khẩu đạt 80.574 tấn, tương đương 193,9 triệu USD, tăng 1,49% về lượng và tăng 1,76% về kim ngạch; gạo xuất đạt 343.260 tấn, tương đương 185,23 triệu USD, tăng 5,53% về lượng và tăng 12,82% về kim ngạch; rau quả đông lạnh xuất đạt 6.151 tấn, tương đương 10,53 triệu USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 3,33% về kim ngạch; hàng dệt may (quần áo các loại) xuất đạt 65,2 triệu USD, tăng 4,86%...
Niềm tin của nhà đầu tư
Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh thì An Giang vẫn là vùng đất hấp dẫn nhà đầu tư, DN. Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 8 tháng qua, có 534 DN đăng ký mới và 318 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký 3.726 tỷ đồng. So cùng kỳ 2019, số DN đăng ký tăng 6,8% (tăng 34 DN), số đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động giảm 3,92% (giảm 13 đơn vị), số vốn đăng ký tăng 13,28% (tăng 437 tỷ đồng). Trong khi đó, có 72 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 16,88% (giảm 18 DN) so cùng kỳ; có 106 đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động, giảm 14,95% (giảm 19 đơn vị).
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 40 dự án đăng ký đầu tư mới (1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 39 dự án đầu tư trong nước), tổng vốn đăng ký khoảng 7.159 tỷ đồng. So cùng kỳ 2019, tuy giảm 12 dự án nhưng tổng vốn đăng ký đầu tư tăng 8,93% (tăng 587 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 272,4 triệu USD, tổng vốn đầu tư thực hiện là hơn 158,8 triệu USD (chiếm 56,31% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Cùng với niềm tin của nhà đầu tư, DN, các ngân hàng tăng cường huy động vốn cũng như cho vay để thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang, tổng số dư vốn huy động ước thực hiện đến cuối tháng 8-2020 là 55.212 tỷ đồng, tăng 1,83% so cuối năm 2019, trong khi tổng dư nợ thực hiện đến cuối tháng 8 là 74.410 tỷ đồng, tăng 2,56%; nợ xấu được kiểm soát ở mức 787 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,06%/tổng dư nợ.
Theo UBND tỉnh, để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2020, tỉnh sẽ tập trung bảo vệ sản xuất thắng lợi vụ thu đông 2020; triển khai tái đàn heo khi bệnh dịch tả heo Châu Phi được ngăn chặn; ứng phó hiệu quả với thời tiết, thiên tai phức tạp. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ. An Giang sẽ phối hợp Sở Công thương TP. Cần Thơ và siêu thị Tứ Sơn xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội nhận diện hàng Việt Nam năm 2020; triển khai thực hiện Chương trình kích cầu mua sắm trực tuyến và sự kiện “Bùng nổ Flash Sale - Mua sắm liền tay, đánh bay COVID”.
UBND tỉnh cho biết, những tháng cuối năm 2020, toàn tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện hoàn thành nhiệm vụ kép là phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi, tăng tốc phát triển KTXH. Trong đó, lưu ý việc chuẩn bị hàng hóa thiết yếu, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm cuối năm và phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Những tháng cuối năm 2020, An Giang sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh về thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là các hồ sơ, thủ tục có liên quan, đảm bảo cho nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đầu tư trên địa bàn cũng như thu hút các dự án đầu tư mới, tạo đà cho giai đoạn phát triển 2021-2025. |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN