An Giang tập trung phục hồi kinh tế

20/06/2022 - 07:43

 - Những tháng đầu năm 2022, nhiều chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của An Giang thực hiện đạt hoặc vượt so với kế hoạch. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh đẩy mạnh tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế. Trong đó, việc tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

 

An Giang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh với các kênh phân phối, hệ thống siêu thị. Ảnh: N.C

Giới thiệu tiện ích, cài đặt ứng dụng VNPT Money cho hộ kinh doanh tại chợ, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: H.C

Phục hồi bền vững

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình vừa ký ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển KTXH tỉnh An Giang đến năm 2023. Mục tiêu nhằm sớm phục hồi và phát triển KTXH một cách toàn diện, nhanh và bền vững sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Qua đó, bù đắp những thiếu hụt trong năm 2021, tạo đà tăng trưởng nhanh, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021-2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Đồng thời, triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 31/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ DN và người dân, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh (SXKD).

Trong triển khai Kế hoạch phục hồi và phát triển KTXH tỉnh An Giang đến năm 2023, UBND tỉnh xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; phân công rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan, đơn vị; đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh bổ sung hợp lý.

UBND tỉnh xác định, phục hồi, tăng trưởng kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để tăng cường và bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế; duy trì hoạt động ổn định và thúc đẩy tăng trưởng của các DN.

Trong đó, có tiết giảm chi phí, triển khai hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho DN, các tổ chức kinh tế và người dân. Đồng thời, phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong nỗ lực phục hồi kinh tế, tỉnh tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh theo quy định tại Điểm 3, Mục II Nghị quyết 11/NQ-CP bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, đối tượng, thời gian hỗ trợ; thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và đảm bảo tiến độ; không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí.

Đồng thời, triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đối với các tổ chức, cá nhân, HTX, DN trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 về miễn giảm thuế VAT, thu nhập DN, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hoãn, giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; các loại phí, lệ phí nhằm giảm gánh nặng cho DN, người dân.

An Giang tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong và ngoài các khu công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế, cụm công nghiệp tổ chức lại sản xuất, mở rộng hoạt động SXKD, đảm bảo các điều kiện và tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh khuyến khích, trao quyền tự chủ cho đơn vị SXKD áp dụng linh hoạt và triển khai các mô hình sản xuất phù hợp của đơn vị trong điều kiện thực tế. Các đơn vị chịu trách nhiệm về các yêu cầu kiểm soát an toàn phòng, chống dịch và có phương án, kịch bản ứng phó tình trạng khẩn cấp theo quy định.

Tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất xây dựng trang thương mại điện tử; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất; triển khai kế hoạch hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh tăng cường cung cấp thông tin thị trường và xúc tiến thương mại để kết nối cung cầu, gắn sản xuất với lưu thông và tiêu thụ hàng hóa, trong đó chú trọng đến các mặt hàng nông sản.

Bên cạnh đó, kết nối chuỗi giá trị vùng và nguyên liệu; kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh với các kênh phân phối, hệ thống siêu thị, các DN, thương nhân trong và ngoài tỉnh thông qua các hình thức trực tuyến và trực tiếp, thiết thực, hiệu quả và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, An Giang thúc đẩy phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở bảo mật, an toàn thông tin; kết hợp hài hòa giữa kinh doanh thương mại truyền thống với kinh doanh trên môi trường mạng. Tỉnh cũng tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức phù hợp với tình hình mới; đổi mới và tăng cường công tác hỗ trợ các DN kết nối giao thương, tham dự hội chợ, triển lãm, đa dạng hóa các hình thức tổ chức và thực hiện kết hợp giữa hoạt động trực tuyến và trực tiếp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, An Giang sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương khác trong công tác hỗ trợ xuất khẩu theo nhóm ngành hàng, mặt hàng, chủ động tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thương mại biên giới, khắc phục tình trạng ách tắc, ùn ứ hàng hóa nông sản xuất khẩu; thúc đẩy, tạo thuận lợi thông quan qua biên giới…

Trên cơ sở phục hồi và phát triển giai đoạn 2022-2023, An Giang phấn đấu đạt các chỉ tiêu KTXH cơ bản của giai đoạn 2021-2025, như: Tăng trưởng GRDP bình quân 6,5-7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 71 triệu đồng/người/năm; kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt gần 5,29 tỷ USD; thu ngân sách từ kinh tế 5 năm đạt 41.303 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,2%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đến năm 2025 đạt 73%. Đặc biệt, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm được giao từ đầu năm gắn với đảm bảo chất lượng công trình.

NGÔ CHUẨN