An Giang tập trung thực hiện Đề án 06/CP

11/01/2023 - 05:43

 - Chuyển đổi số ở An Giang bước đầu đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được đầu tư khá đồng bộ; hình thành cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành; phục vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ chính quyền điện tử. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, nhà nước được liên thông 4 cấp, từ tỉnh đến huyện, xã và kết nối Trung ương.

An Giang tổ chức chuỗi sự kiện chuyển đổi số năm 2022

Tăng cường chuyển đổi số

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh đã được triển khai vận hành thử nghiệm ngày 20/6/2022, với 10 lĩnh vực. Tỉnh thành lập 887 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 11 huyện, thị xã, thành phố, với 6.517 thành viên tham gia; tập huấn về tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, nền tảng/dịch vụ số Việt Nam (thanh toán không dùng tiền mặt, VNeID, Smart An Giang...).

Theo Sở Thông tin và Truyền thông An Giang, đến nay, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh cung cấp đầy đủ thông tin TTHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đáp ứng đầy đủ theo quy định của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 16/11/2022, hệ thống cung cấp tổng số 2.159 dịch vụ hành chính công (toàn bộ số lượng TTHC của tỉnh). Trong đó, số lượng dịch vụ công trực tuyến một phần là 1.150; số lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 1.004.

Tỉnh đã phê duyệt 37 hệ thống thông tin theo cấp độ, đạt tỷ lệ 94,8%. Doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30% (đạt mục tiêu đề ra năm 2022), gồm: Thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng mạng xã hội để trao đổi, quảng bá hình ảnh, họp trực tuyến. Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100% (đạt mục tiêu năm); hơn 1 triệu người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác (đạt 68%, trong khi mục tiêu đề ra từ 65-70%).

Năm 2022, tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10), với nhiều hoạt động đa dạng, ý nghĩa, thiết thực, thể hiện khát vọng và hướng tới thành công trong công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt, tổ chức thành công “Chuỗi sự kiện chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2022”.

Thực hiện Quyết định 27/QĐ-UBQGCĐS, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Triển khai ứng dụng thí điểm nền tảng giám định sinh vật gây hại cho cây lúa trên địa bàn tỉnh, hướng tới có thể nhân rộng trên phạm vi toàn quốc”, đến nay An Giang hoàn thành ứng dụng thí điểm; đề xuất tiếp tục xây dựng chuyển giao ứng dụng rộng rãi.

Tập trung Đề án 06/CP

Cùng với đó, tỉnh An Giang triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định 06/QĐ-TTg, ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP); đã kết nối, khai thác chính thức hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 8/25 dịch vụ công thiết yếu được triển khai trên hệ thống từ ngày 11/12/2022. Còn lại 17/25 dịch vụ công được triển khai trên hệ thống của bộ, ngành Trung ương. 

Về triển khai các nhóm tiện ích thuộc Đề án 06/CP, đến ngày 19/12/2022, toàn tỉnh có 186 cơ sở y tế khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân thay bảo hiểm y tế, đạt 100%; xác thực, đồng bộ gần 1,3 triệu dữ liệu số định danh cá nhân/căn cước công dân với bảo hiểm y tế, đạt 76,8%. Hiện, các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh tiếp nhận đầy đủ trường hợp bệnh nhân đến khám bằng căn cước công dân có gắn chíp và ứng dụng VssID, VNeID...

Về thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân và định danh điện tử, tỉnh thu nhận hơn 1,8 triệu hồ sơ (307.800 hồ sơ định danh điện tử), đạt 83,1%. Tỉnh đang thử nghiệm hệ thống số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh…

Ngành chuyên môn tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về tăng cường chỉ đạo thực hiện Đề án 06/CP; tập trung chỉ đạo thủ trưởng, người đứng đầu sở, ngành, địa phương tiếp tục quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc Đề án 06/CP tại đơn vị, địa phương; nâng cao tỷ lệ, số lượng người dân, doanh nghiệp đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến thuộc sở, ngành, địa phương phụ trách, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu trong Đề án 06/CP của Chính phủ…

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06/CP, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

HỮU HUYNH