An Giang thúc đẩy chuyển đổi số cải cách thủ tục hành chính

07/08/2023 - 06:32

 - Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, ngành tư pháp tiếp tục cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng hoạt động.

Trên cơ sở Kế hoạch 156/KH-UBND, ngày 6/3/2023 của UBND tỉnh An Giang (triển khai thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ), Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch tập huấn, hướng dẫn quy trình đăng ký hộ tịch trực tuyến cho công chức tư pháp - hộ tịch.

Qua đó, tổ chức 4 lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình giải quyết TTHC xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn trực tuyến cho 177 công chức. Đồng thời, triển khai đăng ký hộ tịch cho cơ quan ở 156 xã, phường, thị trấn thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC (thuộc 25 dịch vụ công thiết yếu Đề án 06/CP của Chính phủ).

Sở Tư pháp báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06/CP đến Bộ Tư pháp

Một số nội dung chính, gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng theo Công văn 429/HTQTCT-HT, ngày 21/4/2023 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp).

Đặc biệt, Sở Tư pháp phối hợp sở, ban, ngành kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập về kỹ thuật, thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC về yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người dân và DN. 

Trên cơ sở Quyết định 2173/QĐ-BTP, ngày 11/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” từ năm 2017, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Sở Tư pháp thực hiện dự án “Đầu tư máy tính, trang thiết bị và chuyển đổi dữ liệu hộ tịch”. Qua đó, đơn vị xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đăng ký, quản lý hộ tịch, lý lịch tư pháp, trang bị máy tính cho trên 80% xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, số hóa dữ liệu hộ tịch từ năm 2003 đến năm 2015 với hơn 1 triệu dữ liệu. Kết quả này đến từ nỗ lực rất lớn của ngành, khi xuất phát điểm cơ quan đăng ký hộ tịch ở cấp xã chỉ được trang bị 90 máy vi tính, 103 máy in, một số nơi chưa bảo đảm.

Đến nay, 100% cơ quan đăng ký hộ tịch được trang bị máy; kết nối mạng Internet ổn định, phục vụ riêng cho hoạt động đăng ký hộ tịch, lý lịch tư pháp; vận hành được phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử chung của Bộ Tư pháp. Hiện nay, ngành tư pháp tỉnh đang tiếp tục triển khai số hóa hơn 2,5 triệu dữ liệu.

Cùng sự đồng hành của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp thực hiện kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh với các phần mềm, ứng dụng chuyên ngành của Bộ Tư pháp; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 4/4 thủ tục (trong 25 dịch vụ công thiết yếu), gồm: Đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp; đăng ký khai sinh; đăng ký kết hôn; đăng ký khai tử. Hình thức này được người dân, DN đồng thuận, hoan nghênh.

 “Theo tôi, nhà nước triển khai nộp hồ sơ trực tuyến đối với thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký hộ tịch và nhận kết quả tại nhà thông qua bưu điện đúng nghĩa phục vụ người dân, DN, mà trước đây chưa làm được. Cách thức thực hiện nhanh, gọn, giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, nhất là bà con ở xa đô thị” - ông Huỳnh Văn Ngon (ngụ ấp Phú Lợi, xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn) chia sẻ.

Giám đốc Sở Tư pháp Cao Thanh Sơn cho biết, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động cụ thể; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số, là xu thế toàn cầu. Thực tế chứng minh, chuyển đổi số mang lại cho GDP của khu vực Châu Á khoảng 25% vào năm 2019, đến năm 2021 là 60%; tỷ lệ này đang tăng lên ở một số nước.

“Đối với Sở Tư pháp, công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, phải tiến hành thường xuyên, liên tục, trước hết trong cán bộ, công chức, viên chức ngành. Cùng với đó, đơn vị tuyên truyền, phổ biến để tất cả các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội tham gia tích cực. Chuyển đổi số gắn với công tác cải cách TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, phục vụ tốt hơn cho người dân, DN, tiếp tục đơn giản hóa, không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ gây phiền hà.

Thực hiện nghiêm chủ trương của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện, đầu tư nâng cấp cơ sở dữ liệu, tiến tới toàn bộ TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của ngành đưa lên Cổng dịch vụ công của Bộ Tư pháp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành và địa phương” - Giám đốc Sở Tư pháp Cao Thanh Sơn cho biết.

NGUYỄN RẠNG