An Giang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ

05/01/2023 - 05:43

 - Năm 2022 vừa khép lại, với những tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thêm mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia diễn ra sâu rộng từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan nhà nước đến người dân, doanh nghiệp với tốc độ nhanh chóng. Tại An Giang, chuyển đổi số lan tỏa vào đời sống kinh tế, chính trị - xã hội.

Nâng cao nhận thức chuyển đổi số

Năm 2022, tỉnh An Giang thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Kết quả đó có sự đóng góp chung của các cấp, ngành, đặc biệt là công tác chuyển đổi số. Định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số của tỉnh trong năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp (DN) lên môi trường số, thông qua phổ cập sử dụng nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, DN thụ hưởng trực tiếp lợi ích của chuyển đổi số.

Ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh An Giang

Đặc biệt, trong năm qua, nhận thức và hành động về chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được quan tâm lãnh, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. 100% cơ quan, địa phương ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng số tiếp tục được phát triển ở tỉnh và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Tốc độ truy cập mạng băng thông rộng cố định và di động đều tăng so cùng kỳ.

Chuyển đổi số trên 3 trụ cột

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường, An Giang tập trung chuyển đổi số quốc gia trên 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số). Về phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, trong năm 2022, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh cung cấp 2.088 dịch vụ dịch vụ hành chính công mức độ 3 và 4, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn - đúng hạn là 99%...

Đã kết nối, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, kiểm thử và công khai 1.207 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 94%; kết nối với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến (Hệ thống EMC) của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Triển khai thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh thông qua Ngân hàng thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến Payment Platform của Cổng dịch vụ công quốc gia.

Vận hành thử Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) TP. Châu Đốc

Để phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, trong năm 2022, DN trên địa bàn tỉnh được đăng ký tài khoản đánh giá mức độ chuyển đổi số DN tại địa chỉ https://dbi.gov.vn/. Có 30% DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, như: Thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng mạng xã hội để trao đổi, quảng bá hình ảnh, họp trực tuyến… đạt 100% mục tiêu. Tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.

Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, đến nay, Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; Internet di động băng thông rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân trong tỉnh. 100% khu công nghiệp, DN, trường học, bệnh viện có kết nối Internet phục vụ công tác quản lý, điều hành. 100% cơ quan nhà nước của tỉnh có mạng cục bộ (LAN) và được kết nối mạng Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và nhà nước.

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 2.200 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS); 66,2% dân số trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh; 78,9% hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định. Hiện nay, 100% xã được phủ sóng 3G/4G; tỉnh đang khuyến khích DN đăng ký với tập đoàn, tổng công ty viễn thông triển khai 5G…

Tạo đột phá phát triển

“Chuyển đối số là xu thế, cơ hội tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi tổng thể và toàn diện con người về cách sống, cách làm việc cũng như phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, DN. Đặc biệt, chuyển đổi số giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành, phát triển chính quyền số, công dân số, xã hội số” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Phát huy kết quả đạt được năm 2022, bước sang năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai nhiệm vụ theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh triển khai dự án Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh, Dự án số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính... Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tạo sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, kiến thức số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ. Huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh; ưu tiên phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát huy mạng lưới “Tổ công nghệ số cộng đồng” của tỉnh, góp phần triển khai nhanh, hiệu quả về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến cấp cơ sở, phường, xã, khóm, ấp.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương, quyết liệt vào cuộc. Việc chuyển đổi số được triển khai trên tất cả lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và DN; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận cao.

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích