Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, CCHC phải xuất phát từ người dân, lấy người dân làm trung tâm; nâng cao và lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. CCHC phải không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, cung cấp dịch vụ công và thực hiện giải quyết TTHC; gắn số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC hướng tới việc giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các TTHC nhanh chóng, chính xác, đảm bảo thời gian theo quy định.
Tiếp tục cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Tỉnh đề ra 12 mục tiêu cụ thể, nhằm cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, trọng tâm là thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển. Tỉnh phấn đấu tối thiểu 85% TTHC (có yêu cầu nghĩa vụ tài chính) được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên; 90% hồ sơ công việc tại tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (ngoại trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Tỉnh xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 70%, 60%, 55% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Tỉnh phấn đấu 100% TTHC của các sở, ban, ngành, địa phương có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 80% so với tổng hồ sơ tiếp nhận; tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử.
Phấn đấu 100% hồ sơ được số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công. Giảm tối thiểu bình quân 1% biên chế công chức và 1,5% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước so năm 2023. Phấn đấu kết quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)… của tỉnh năm 2024 cao hơn năm 2023.
Nhiệm vụ và giải pháp
Công tác CCHC năm 2024 của An Giang được thực hiện trên 7 lĩnh vực, với 66 nhiệm vụ, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC 14 nhiệm vụ; cải cách thể chế 4 nhiệm vụ; cải cách TTHC 6 nhiệm vụ; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước 4 nhiệm vụ; cải cách chế độ công vụ 9 nhiệm vụ; cải cách tài chính công 6 nhiệm vụ; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số 23 nhiệm vụ.
Để hoàn thành nhiệm vụ, tỉnh đề ra 12 giải pháp, phát huy vai trò lãnh đạo của UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện thắng lợi kế hoạch. Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức, bộ máy theo quy định. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, văn hóa công sở, đạo đức công vụ, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Duy trì, nâng cao hiệu quả việc thực hiện cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết so quy định.
Đồng thời, đổi mới phương pháp, cách thức giải quyết TTHC, thuận tiện phục vụ theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh với Ban Dân vận Tỉnh ủy trong thực hiện công tác dân vận chính quyền; chương trình phối hợp giữa Sở Nội vụ với Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh trong việc giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Phát huy vai trò giám sát của HĐND, UBMTTQVN các cấp và người dân đối với công tác CCHC và trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền CCHC, để phổ biến kiến thức đến từng cá nhân, tổ chức. Học tập thực tế kinh nghiệm, cách làm hay, sáng kiến mang tính đột phá, hiệu quả, để vận dụng, áp dụng tại tỉnh. Sở Nội vụ là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, chủ trì triển khai các nội dung, giúp tỉnh thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành, giải pháp nâng cao hiệu quả CCHC.
HẠNH CHÂU