An Giang triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội

07/05/2022 - 15:34

 - Quý I/2022, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) tỉnh An Giang đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Nghị quyết của HĐQT NHCSXH, tập trung triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách...

Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH chi nhánh An Giang Trần Thế Loan cho biết: Với sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh An Giang đã phân công ban đại diện thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm; nguồn ngân sách các cấp chuyển sang ủy thác đã góp phần quan trọng vào an sinh xã hội, giúp người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giảm bớt tệ cho vay nặng lãi tại khu vực nông thôn…

Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH chi nhánh An Giang Trần Thế Loan báo cáo hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2022 của Ban Đại diện  HĐQT NHCSXH chi nhánh An Giang

Ngay đầu năm 2022, Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức tổng kết kết quả hoạt động năm 2021. Trên cơ sở kết quả đạt được, đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại đã đề ra phương hướng nhiệm vụ các chỉ tiêu kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trong năm 2022.

Đồng thời, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai và tổ chức hoạt động của NHCSXH tại địa phương. Đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư  và Công văn 258-CV-TU, ngày 23/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội…

Theo đó, NHCSXH chi nhánh tỉnh An Giang và các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai chính sách tín dụng ưu đãi, đối tượng thụ hưởng, quy trình, thủ tục, thông tin rộng rãi đến khách hàng vay tại các điểm giao dịch lưu động xã. Đặc biệt,  việc tổ chức giao dịch lưu động tại 156/156 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân tại các điểm giao dịch.

Người dân đến giao dịch tại  NHCSXH chi nhánh An Giang

Kết quả, quý I/2022, tổng nguồn vốn đạt 3.751,8 tỷ đồng, tăng 60,5 tỷ đồng so  đầu năm (nguồn vốn Trung ương tăng 54,1 tỷ đồng và địa phương tăng 6,4 tỷ đồng, đạt 93,7 % chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2022). Trong đó, nguồn vốn huy động được Trung ương cấp bù lãi suất đạt 568,5 tỷ đồng, tăng 13,3 tỷ đồng so năm 2021, đạt 38% kế hoạch giao huy động năm 2022; nguồn vốn huy động từ tiền gửi tổ chức cá nhân đạt 190 tỷ đồng, tăng 12,3 tỷ đồng so đầu năm; tiền gửi tiết kiệm hộ nghèo thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 378 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so đầu năm.

Bên cạnh đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đến ngày 31/3/2022 là 224,218 tỷ đồng, tăng 6,470 tỷ đồng, đạt 25,88% kế hoạch giao năm 2022; đến ngày 31/3/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 3.742 tỷ đồng, tăng 54 tỷ đồng so năm 2021, tỷ lệ tăng đạt 1,47%, với hơn 145 ngàn hộ còn dư nợ, bình quân một hộ có dư nợ 25,67 triệu đồng… Đến nay, đã hoàn thành 93,71% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ được giao năm 2022, trong đó, dư nợ nguồn vốn Trung ương đạt 3.550 tỷ đồng; dư nợ nguồn vốn địa phương đạt 192 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị, quý II và những tháng còn lại của năm 2022, Ban Đại diện HĐQT NHCSXH các cấp phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách xã hội để người dân nắm bắt, tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện HĐQT  NHCSXH chi nhánh An Giang Lê Văn Phước  chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tới

Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh; đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi. Trong đó, tập trung tổ chức triển khai nhanh, kịp thời, đúng quy định các chương trình tín dụng mới được ban hành, nhất là việc khẩn trương triển khai nhanh và hiệu quả công tác giải ngân vốn vay theo Nghị quyết 11NQ/CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; tranh thủ tốt các nguồn vốn từ Trung ương để thực hiện cho vay người nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn, phấn đấu tăng trưởng dư nợ 10%.

Cùng với đó, các thành viên Ban Đại diện HĐQT NHCSXH các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo chương trình và kế hoạch đề ra, tập trung vào những nơi có nhiều nợ quá hạn, lãi tồn đọng do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19; các đơn vị, tổ chức cần quản lý tốt việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tiến độ chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

Ngoài ra, thành lập Ban chỉ đạo tỉnh về tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác  theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ...

KHÁNH MY

 

Liên kết hữu ích