Tập trung cho nhiệm vụ mới
Tính chung giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của An Giang ước đạt khoảng 4,85%; quy mô của nền kinh tế đến năm 2020 tăng khá, ước đạt 89.295 tỷ đồng (năm 2015 đạt 60.467 tỷ đồng); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Đời sống người dân không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng (tăng gần 16 triệu đồng so năm 2015); quốc phòng - an ninh được giữ vững; tổ chức bộ máy hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng để An Giang đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021-2025) mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ KTXH 5 năm (2021-2025) đã đề ra.
“Nhiệm vụ của năm 2021 là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp (DN) và người dân. Từng ngành, từng cấp phải xây dựng kế hoạch chi tiết, chủ động đề ra các giải pháp tích cực, khả thi, hiệu quả; tận dụng tốt thời cơ, chủ động vượt qua mọi thách thức từ hội nhập để đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2021 của tỉnh” - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Do còn chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, những chỉ tiêu của năm 2021 là không hề “nhẹ”. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh, xây dựng kế hoạch chi tiết phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị, trong đó tập trung vào những giải pháp đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.
Những giải pháp lớn của tỉnh là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với đó là triển khai thực hiện tốt chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thu hút vốn đầu tư, từng bước hình thành các DN nông nghiệp, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Tỉnh cũng tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ DN phát triển sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; triển khai Đề án phát triển DN nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư để thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, mang lại nguồn thu lớn và ổn định cho ngân sách nhà nước.
Kiến nghị hỗ trợ
Nhằm tạo thuận lợi cho DN, người dân, An Giang tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xây dựng môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và DN phát triển sản xuất - kinh doanh, xem đây là động lực phát triển của tỉnh. Song hành cùng công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tỉnh nỗ lực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cùng với đó là quảng bá hình ảnh du lịch và con người An Giang; tăng cường liên kết vùng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh.
Để đạt mục tiêu phát triển KTXH năm 2021, cùng với nỗ lực của tỉnh, cần sự “tiếp sức” của Trung ương trong tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, triển khai những hỗ trợ thiết thực cho tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg, ngày 14-9-2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14, ngày 8-7-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025).
Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng dự thảo quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương. Để có cơ sở hoàn thiện quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương và lập kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm thông báo số dự kiến số vốn ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025.
Tại Khoản 2, Điều 3 Nghị quyết số 129/2020/QH14, ngày 13-11-2020 của Quốc hội về việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021 có quy định “Đối với các nhiệm vụ, dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tính đến ngày 31-12-2020, cần tiếp tục hoàn thiện, phân bổ sau khi Quốc hội khóa XV quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”. Ngày 21-12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2185/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2021.
UBND tỉnh An Giang đã thực hiện giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 (tại Quyết định số 3003/QĐ-UBND, ngày 24-12-2020) với tổng số vốn là 3.505,04/5.040,18 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa giao (1.535,14 tỷ đồng) là do một số dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục giao vốn (đây là các dự án khởi công mới trong năm 2021, chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025). Để giao hết vốn năm 2021, UBND tỉnh kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm có giải pháp, hướng dẫn tỉnh và các địa phương khác tháo gỡ khó khăn này.
UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trường hợp chưa kịp ban hành cần có văn bản hướng dẫn tạm thời thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức PPP. Đây là phương thức đang được An Giang quan tâm thực hiện, nhằm tạo động lực và đột phá phát triển cho tỉnh
|
NGÔ CHUẨN