An Giang từng bước khôi phục sản xuất – kinh doanh

20/10/2021 - 05:36

 - Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh An Giang từng bước vượt qua khó khăn, sẵn sàng khôi phục các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây là động thái được người dân trông chờ từ lâu. Tuy nhiên, khôi phục sản xuất phải đi đôi với an toàn và đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch bệnh.

Hoạt động của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành). Ảnh: TRUNG HIẾU

Doanh nghiệp vẫn thận trọng

Được kinh doanh trở lại dịch vụ bán hàng mang về và phục vụ tại chỗ, nhiều cơ sở, cửa hàng đã khởi động trở lại. Tuy nhiên, một số nơi vẫn quyết định chờ đợi điều kiện ổn định hơn. “Đã qua mấy tháng cầm cự trong điều kiện giãn cách xã hội, người bán và người mua đều thận trọng hơn khi trở lại nhịp sống bình thường mới. Hiện nay, điều kiện cho phép hoạt động dịch vụ ăn uống còn hạn chế về số người, chúng tôi vẫn chọn cách bán giao hàng tận nơi thay vì mở cửa đón khách. Bởi khi chính thức hoạt động, quan trọng nhất là sắp xếp lại môi trường kinh doanh, chi phí cho nhân viên, dự trù tình huống xấu nếu lặp lại những rủi ro từng trải qua” - đại diện một công ty sản xuất - kinh doanh cà phê tại TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) chia sẻ.

Trong khi đó, ở tâm thế của một lao động chuẩn bị được đi làm, chị Nguyễn Thùy Linh, công nhân may mặc tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết, công ty đã thông báo cho những người đủ điều kiện ở “vùng xanh” được đi làm trước theo số lượng 30% trong tổng số công nhân. Hơn lúc nào hết, chị Linh rất mong được đi làm và sẵn sàng dọn hành trang từ huyện Chợ Mới sang TP. Long Xuyên hoặc huyện Châu Thành để ở trọ nếu cần. Trong khi đó, chị Phan Bội Nhi (huyện Châu Thành) lo lắng: “Tôi vẫn chưa nằm trong danh sách được thông báo đi làm, hy vọng đợt tiếp theo sẽ được gọi tên. Chấp nhận sống thích nghi với dịch bệnh, ai cũng sốt ruột mong được đi làm, bởi mất tiền lương, thu nhập là điều rất khó khăn cho người lao động”.

Thời gian qua, ứng phó với dịch bệnh, một số DN, công ty cố gắng duy trì hoạt động theo phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, số lượng lao động tham gia rất hạn chế so với tổng lao động của đơn vị, kèm theo phát sinh nhiều khó khăn và gánh nặng chi phí duy trì. Để chuẩn bị cho công nhân đi làm trở lại theo Kế hoạch 572/KH-UBND của UBND tỉnh về đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch COVID-19, các DN đã lần lượt lên phương án sản xuất “4 xanh” (người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh).

Nhiều DN đã trình phương án, được Sở Công thương, UBND địa phương thẩm định và chờ quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Đồng thời, trình bày những khó khăn, mong được ngành chức năng hỗ trợ tháo gỡ, có hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc xét nghiệm cho người lao động trở lại làm việc, xúc tiến mở rộng tiêm vaccine COVID-19 cho số lao động còn lại…

Ảnh: MINH HIỂN

Chú ý an toàn

Tại Khu công nghiệp Bình Hòa, các DN đủ điều kiện hoạt động đã được Ban Quản lý Khu kinh tế, các sở, ngành, UBND huyện đến kiểm tra, đánh giá phương án tổ chức sản xuất - kinh doanh theo phương châm “4 xanh”, với quy mô làm việc 30% trong tổng số công nhân của công ty theo chủ trương của tỉnh. Các đơn vị cho biết, đã đăng ký tiêm vaccine cho công nhân để đảm bảo việc khôi phục sản xuất trong thời gian tới.

Điển hình như Công ty TNHH NV Apparel, đơn vị chọn những xã “vùng xanh” của huyện Châu Thành với 30% số lao động giai đoạn đầu, tương ứng 980 người. Danh sách lựa chọn được thông báo và phổ biến rõ quy định khi trở lại làm việc. Trong đó, bắt buộc người lao động tuân thủ nghiêm các nội dung: đeo thẻ công nhân viên, test nhanh trước khi vào làm, ăn cơm trưa tại công ty, đảm bảo thực hiện thông điệp “5K”, không dừng, đỗ dọc đường và không đi qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm...

Còn Công ty Cổ phần TBS An Giang (huyện Thoại Sơn) đã có phương án sản xuất “4 xanh” giai đoạn 2, với hơn 2.600 lao động đã được tiêm chủng. Trong đó, “nhà máy xanh” sẽ thực hiện theo lộ trình mở cửa lại với quy mô nhỏ, giảm mật độ lao động nơi làm việc và tăng dần tần suất sau 2 tuần. Công ty còn tổ chức quản lý người lao động khép kín theo phân xưởng/tổ, phân luồng quản lý cụ thể từ cổng vào nhà gửi xe, đến nơi làm việc, ăn uống… Cùng với đó, công ty tiếp tục có phương án tuyển dụng lao động để chuẩn bị cho mục tiêu dài hơi trong thời gian tới. Tương tự, Công ty TNHH Samho An Giang, Công ty TNHH may mặc Lu An trong Khu Công nghiệp Bình Hòa, ngoài phương án tổ chức sản xuất, công ty còn khảo sát nhu cầu việc làm, nhất là với số lao động trở về quê nhằm đẩy mạnh tuyển dụng sau khi dịch bệnh ổn định và khi nhà máy có thể hoạt động trở lại bình thường.

Nhu cầu mở cửa sản xuất - kinh doanh trở lại của DN, công ty nói chung đang bức bách, bởi liên quan đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Việc quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn cho sản xuất được hoạt động liên tục cũng là đòi hỏi đi kèm và góp phần khẳng định uy tín của DN. Vì vậy, DN đang được ngành chức năng của tỉnh, huyện hỗ trợ, hướng dẫn tích cực các điều kiện cụ thể để sớm khôi phục và ổn định sản xuất.

MỸ HẠNH