Năm 2008, toàn tỉnh có 1.037 người nghiện (có hồ sơ quản lý). Sau 10 năm, con số ấy đã lên hơn 5.100 người, trong đó khoảng 3.000 người nghiện có độ tuổi dưới 30. Số người nghiện phát hiện mới vẫn ở mức cao. Có 10/156 xã, phường, thị trấn không có người nghiện ma túy. Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hạn chế về mặt chủ quan là trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số địa phương chưa tập trung quyết liệt cho công tác phòng, chống ma túy. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành và công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức chưa mang lại hiệu quả cao, chưa thật sự dấy lên phong trào toàn dân tích cực phát hiện và tố giác tội phạm. Lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư chưa đủ mạnh.
Đại tá Tống Quyết Chiến, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) phân tích: “Trên tuyến biên giới với Takeo, Kandal (Campuchia), tội phạm ma túy triệt để lợi dụng đặc điểm, tình hình đường biên giới dài để vận chuyển ma túy. Người nghiện lợi dụng các casino, trường gà mở sát biên giới phía Campuchia làm điểm tập kết mua, bán, sử dụng và vận chuyển về nội địa tiêu thụ. Trong tỉnh, tội phạm về ma túy gia tăng hoạt động mua, bán nhỏ lẻ, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, làm phát sinh điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Tình trạng sử dụng ma túy đá ngày càng phức tạp trong thanh, thiếu niên. Sau thời gian dài sử dụng, đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Mặt khác, sự gia tăng người nghiện đã tạo ra “nguồn cầu” lớn, kích thích bọn tội phạm ma túy hoạt động. Đây là nguyên nhân phát sinh nhiều hoạt động phạm tội khác trên địa bàn”.
Lấy lời khai một đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy
Công tác cai nghiện chưa đạt hiệu quả cao, hầu hết tái nghiện. Người nghiện sau khi tập trung cai nghiện về chưa được gia đình quan tâm; chính quyền địa phương có khi “lúng túng” trong hoạt động quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ tái hòa nhập. Áp dụng hình thức điều trị thay thế bằng methadone gặp vướng mắc. Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Tuấn chia sẻ: “Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện được triển khai tại An Giang từ năm 2012. Thuốc methadone được cấp miễn phí, nên có sự hợp tác giữa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, thuốc được cấp hàng ngày, kể cả cuối tuần, lễ Tết, mà nhân sự hoạt động tại 3 cơ sở trong tỉnh đều kiêm nhiệm, ảnh hưởng đến nhiệm vụ được giao. Khi sử dụng các chất gây nghiện tổng hợp, bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần. Đó là những khó khăn chúng tôi đang gặp phải”.
Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án ma túy, một số vướng mắc đã nảy sinh. Theo quy định, chất ma túy, chất nghi vấn ma túy cần phải được thu giữ, niêm phong và bảo quản kịp thời. Thực tế, công an cấp xã thường trực tiếp phát hiện, bắt quả tang hành vi phạm tội liên quan đến ma túy, nên tiến hành thu giữ, niêm phong tang vật. Sau đó, cơ quan điều tra giữ nguyên tình trạng niêm phong, gửi đi trưng cầu giám định. Dù cơ quan giám định kết luận vật chứng bị thu giữ là ma túy thì cũng khó xử lý hình sự. Bởi, theo Nghị định số 127/2017/NĐ-CP thì công an cấp xã không có thẩm quyền niêm phong vật chứng ma túy, chất nghi ma túy, dẫn đến kết luận giám định không có giá trị chứng minh. Đối tượng phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, đang mang thai thì không áp dụng biện pháp tạm giam, nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý, xử lý. Việc tổ chức ghi âm, ghi hình có âm thanh còn nhiều khó khăn, do chưa trang bị được cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và nguồn nhân lực vận hành…
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh La Hồng thông tin: “Đa số vụ án xuất phát từ việc bắt quả tang đối tượng tàng trữ, vận chuyển hoặc mua, bán trái phép chất ma túy. Đối với các vụ án “truy xét” (điều tra làm rõ những lần phạm tội trước đó), khó khăn nằm ở chỗ: thiếu người chứng kiến, không thu được mẫu vật phục vụ công tác giám định; đối tượng bán ma túy khai tên người mua, nhưng người mua không thừa nhận… Tội phạm ma túy thường có tính đối phó cao, tính liên kết, đặc biệt là cắt đoạn (tự biết phần việc của mình, không biết việc người khác); thủ đoạn cất giấu, giao nhận, thanh toán, chống đối rất cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật qua các phiên tòa nói chung, phiên tòa lưu động nói riêng tuy được quan tâm thực hiện, nhưng hình thức chưa phong phú, tác dụng chưa cao”.
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG
Kỳ cuối: Không chùn bước