An Giang - Vùng đất địa linh, nhân kiệt

05/09/2022 - 06:23

 - Trải qua 190 năm thành lập và phát triển, vùng đất An Giang khẳng định được vị trí và vai trò quan trọng cùng tiến trình đi lên của đất nước. Được biết đến là vùng đất địa linh với dãy Thất Sơn huyền bí, Bà Chúa Xứ núi Sam nổi tiếng linh thiêng, An Giang cũng là vùng đất xuất hiện nhiều nhân kiệt, từ thời mở đất, giữ đất và phát triển quê hương.

Vùng đất địa linh

Theo tác giả Nguyễn Quốc Khánh, An Giang là vùng đất rất linh thiêng. Rừng núi, sông nước hầu hết gắn liền với truyền thuyết hay sự kiện lịch sử. Điển hình như tên gọi núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), có thể xuất phát từ lệnh cấm dân lên núi của chúa Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) trong thời gian lánh nạn quân Tây Sơn ở trên núi. Núi Cấm hiện nay vẫn là ngọn núi cao nhất và linh thiêng bậc nhất trong dãy Thất Sơn huyền bí.

Nhiều năm trở lại đây, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước. Sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ gắn với câu chuyện tượng bà được người dân Châu Đốc phát hiện trên đỉnh núi Sam những năm đầu thế kỷ XIX. Người dân muốn thỉnh bà xuống núi, nhưng bao chàng trai lực lưỡng không nhấc lên nổi. Thế nhưng, 9 cô gái đồng trinh khiêng xuống thì lại dễ dàng. Khi đến vị trí miếu bà hiện tại thì bà “không chịu đi” nữa, nên người dân lập miếu tại đây để tôn thờ.

Những địa danh khác của An Giang gắn với lịch sử yêu nước hào hùng. Trong đó, rừng Bảy Thưa là căn cứ cách mạng chống Pháp của người anh hùng dân tộc Quản cơ Trần Văn Thành. Đối với công lao to lớn của Thống chế khâm sai thượng đạo đại tướng quân Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) và vợ ông (bà Châu Thị Tế), những địa danh được vua ban tên vẫn còn ghi dấu đến ngày nay, như: Thoại Sơn, Thoại Hà, Thoại Giang, Vĩnh Tế…

Trong đó, kênh Vĩnh Tế là một trong những công trình vĩ đại, có giá trị lớn, được vua Minh Mạng cho chạm hình vào Cao Đỉnh, một trong 9 đỉnh (Cửu đỉnh) đặt trước Thế Miếu tại Đại nội của cố đô Huế vào năm 1836.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng

An Giang cũng là vùng đất đa tôn giáo. Bên cạnh Phật giáo, Công giáo, địa phương còn có nhiều tôn giáo bản địa ảnh hưởng khắp Nam Bộ. Các tôn giáo nội sinh ra đời ở An Giang đều mang đậm nét dân tộc, lấy pháp tu tại gia, “học Phật - tu nhân” làm tôn chỉ hành đạo, thể hiện tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ…

Vùng đất nhân kiệt

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, trong lịch sử, các vùng đất “địa linh” luôn gắn liền với yếu tố “nhân kiệt”. Chính vì thế, An Giang có rất nhiều anh hùng hào kiệt qua các thời kỳ. Họ vốn không sinh ra ở đây, nhưng lại thành danh trên vùng đất này, như: Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cư Trinh, Thoại Ngọc Hầu… cùng với rất nhiều nhân vật lịch sử sinh ra và thành danh trên chính mảnh đất An Giang.

Trong những người con An Giang có ảnh hưởng đến ngày nay, có thể kể đến ông Trần Văn Thành, một trong số đại đệ tử của cụ Đoàn Minh Huyên, cùng tín đồ khẩn hoang vùng Láng Linh - Bảy Thưa (thuộc huyện Châu Phú ngày nay). Khi đang giữ chức Chánh quản cơ thời nhà Nguyễn (thường được gọi Quản cơ Thành), không chịu khuất phục khi Pháp chiếm thành Châu Đốc (tỉnh An Giang) năm 1867, ông kéo lực lượng dân binh về Bảy Thưa xây dựng căn cứ, phối hợp với nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực kháng Pháp vùng Long Xuyên, Rạch Giá.

Thuyết phục ông quy hàng không được, Pháp huy động lính mã tà của Long Xuyên, Cần Thơ, Châu Đốc tổng tấn công vào vùng Châu Phú. Từ ngày 19 - 20/3/1873, Trần Văn Thành trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chống giặc, hy sinh anh dũng trước mũi súng của kẻ thù. Nhân dân thương tiếc, tôn gọi ông là Đức Cố Quản, lập đền thờ ở Láng Linh (nay thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú).

Trong lịch sử chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ cứu nước, vùng đất An Giang sản sinh người con ưu tú Tôn Đức Thắng (1888-1980). Sinh ra tại làng Mỹ Hòa Hưng (còn gọi cù lao Ông Hổ, nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên), Tôn Đức Thắng sớm thể hiện tinh thần tự lập và ý chí yêu nước khi tham gia học nghề tại trường Bá Nghệ (Sài Gòn). Ông là người kéo cờ đỏ lên cột cờ chiến hạm France của Pháp trên Biển Đen để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga.

Khi trở lại Sài Gòn, “anh Hai Thắng” tham gia thành lập Công hội bí mật Sài Gòn - Chợ Lớn, hoạt động tích cực ở Kỳ bộ Thanh niên Nam Kỳ. Bị Pháp đày khổ sai ở Côn Đảo, Bác Tôn vẫn có những đóng góp tích cực cho cách mạng. Bác Tôn là người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết của Bác Hồ trong suốt thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược...

Trong lịch sử vùng đất An Giang, còn có những người con kiên trung, đóng góp lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Điển hình như đồng chí Ung Văn Khiêm (1910-1991), người trưởng thành từ cách mạng, giữ các chức vụ quan trọng ở Trung ương (Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Quốc hội các khóa đầu tiên). Đó còn là bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (1906-1998), người tích cực tham gia công tác y tế kháng chiến, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ông là người đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp thừa kế nền y học cổ truyền, nghiên cứu kết hợp với y học hiện đại, xây dựng nền y học Việt Nam mang tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng. Ông sáng lập và để lại Quỹ Học bổng y tế Nguyễn Văn Hưởng, tiếp sức cho sinh viên y khoa nghèo, hiếu học và cán bộ y tế tình nguyện phục vụ vùng sâu, vùng xa cho đến ngày nay.

“Nhìn chung, nhân kiệt của An Giang đều có sự rèn luyện để đạt đến đỉnh cao của nhân cách; có sức mạnh to lớn trong việc thu hút, tập hợp tầng lớp nhân dân; có tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, suốt đời hết lòng, hết sức phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”- nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Khánh nhận xét.

 

NGÔ CHUẨN