An Giang vươn tầm phát triển

28/11/2023 - 22:02

 - Là địa phương biên giới, được thiên nhiên ưu đãi, nằm ở vị trí đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang có lợi thế đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp vùng nước ngọt (lúa gạo, thủy sản, trái cây, rau màu), giao thương kinh tế biên mậu, phát triển nhiều loại hình du lịch (DL). Khi bất lợi về giao thông được tháo gỡ, tỉnh có nhiều cơ hội bứt phá.

Vai trò quan trọng

Vị trí quan trọng của An Giang sớm được triều Nguyễn khẳng định trong hành trình mở cõi về phương Nam. Thống chế khâm sai thượng đạo đại tướng quân Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) - một trong những danh tướng giỏi nhất thời nhà Nguyễn - đã trực tiếp chỉ huy đào kênh Thoại Hà, đặc biệt là kênh Vĩnh Tế, có giá trị rất lớn về giao thương hàng hóa và bảo vệ quốc phòng cho đến ngày nay. An Giang là một trong những tỉnh có tên đầu tiên trong “Nam kỳ lục tỉnh”, được Minh Mạng ban chiếu thành lập năm 1832.

Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị đặc biệt, ngày nay, An Giang luôn có vị thế, vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược hội nhập quốc tế của đất nước, thể hiện rõ trên 3 “bảo đảm an ninh” lớn là: An ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh biên giới.

Trong bối cảnh trong khu vực và trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, An Giang vẫn giữ vững lợi thế là một trong những “vựa lúa” bền vững của đất nước, với sản lượng khoảng 4 triệu tấn lúa/năm (chỉ sau tỉnh Kiên Giang), có thể sản xuất liên tục dựa vào nguồn nước ngọt phong phú và thời tiết thuận lợi. Theo các chuyên gia kinh tế, lúa gạo sẽ là sức mạnh mềm, là điều kiện mặc cả để đổi lại các giá trị cao hơn trong tương lai.

Trong quy hoạch ĐBSCL, an ninh nguồn nước giữ vai trò đặc biệt, quyết định đến tầm nhìn chiến lược của vùng, đến mục tiêu phát triển bền vững, đến sinh kế của người dân, đến các mối quan hệ quốc tế, khu vực liên quan đến dòng nước sông Mekong. An Giang với vị trí đầu nguồn sông Cửu Long, là tỉnh duy nhất có sông Tiền, sông Hậu cùng lúc chảy qua và giao thoa với nhau, nắm giữ vai trò rất lớn trong quản lý và điều phối nguồn nước ngọt cho cả vùng ĐBSCL.

Với tuyến biên giới dài gần 100km giáp Vương quốc Campuchia, An Giang có vai trò quan trọng đảm bảo quốc phòng - an ninh biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Việc củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của An Giang có ý nghĩa lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và cả nước.

Thúc đẩy các hành lang kinh tế

Trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ sẽ đầu tư phát triển hành lang kinh tế biên giới từ tỉnh Long An đến Kiên Giang, phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó, An Giang có khu kinh tế cửa khẩu với 3 khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, Khánh Bình và Tịnh Biên, là nơi hội tụ các tuyến hành lang kinh tế quan trọng của vùng (tuyến hành lang kinh tế biên giới, tuyến hành lang cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), càng trở nên quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

Bên cạnh 3 “đảm bảo an ninh” cốt lõi, An Giang còn bảo đảm “an ninh thương mại” xuyên biên giới qua thị trường Campuchia và các nước ASEAN. Khi tuyến cao tốc đường bộ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành, một đầu sẽ kết nối vào cảng biển Trần Đề - tương lai là cảng xuất, nhập khẩu lớn nhất vùng ĐBSCL, đi xuyên qua các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, TP. Cần Thơ, TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) trước khi kết nối vào khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh. An Giang còn giữ vị trí quan trọng trong tuyến vận tải thủy kết nối với Campuchia (tuyến sông Mekong), phục vụ hàng hóa các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang.

Được Chính phủ đưa vào danh sách vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (TP. Cần Thơ và tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau), vị thế, vai trò của An Giang càng trở nên nổi bật và rõ nét. Thời kỳ 2021 - 2030, Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực để kết nối với TP. Hồ Chí Minh, tập trung phát triển hành lang nằm giữa TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.

Sau năm 2030, sẽ mở rộng hành lang sang phía Bắc, dọc theo trục sông Tiền, sông Hậu, kết nối với Campuchia và các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS). Khi đặt trong mối quan hệ hợp tác kinh tế GMS và cộng đồng kinh tế ASEAN, An Giang có thể phát triển trở thành trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, du lịch, đầu tư của vùng ĐBSCL trong chiến lược phát triển bền vững, hài hòa và bao trùm.

“Với sự nỗ lực từ Trung ương và địa phương, thời gian qua, kết cấu hạ tầng của tỉnh có sự đầu tư hiện đại, đồng bộ hơn so với trước đây, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, cầu, cảng... đã tạo ra sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa An Giang với các tỉnh dọc sông Hậu, vùng ĐBSCL, kết nối với TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và cả nước. Khi điểm nghẽn lớn nhất là giao thông được tháo gỡ, các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ không còn ngần ngại khi đến đầu tư tại An Giang. Đây là động lực lớn để tỉnh bứt phá phát triển” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đánh giá.

An Giang còn thể hiện rất rõ vai trò, vị thế trong phát triển đô thị của vùng ĐBSCL, là địa bàn phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với khu vực đô thị. Trong đó, TP. Long Xuyên là một trong những trung tâm đô thị của khu vực tứ giác, trọng tâm (Cần Thơ - Long Xuyên - Cao Lãnh - Vĩnh Long), là điểm hội tụ hành lang phát triển, hành lang vận tải của vùng ĐBSCL.

NGÔ CHUẨN