Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ năm 2020, đặc biệt đến cuối tháng 4-2021 bùng phát lần thứ 4 ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước và trong tỉnh. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và phù hợp với tình hình tại địa phương; thực hiện kịp thời các chính sách đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế An Giang đứng thứ 5 so với 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Nhìn chung, bức tranh kinh tế tỉnh nhà trong những tháng đầu năm vẫn có nhiều điểm sáng. Điển hình, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tăng cả về năng suất và sản lượng (góp phần đưa ngành nông nghiệp trở thành bệ đỡ và tạo sức bật cho nền kinh tế); hoạt động xuất khẩu tăng trên 3% trong điều kiện khó khăn thị trường tiêu thụ; thu ngân sách nhà nước vẫn giữ tiến độ và đạt dự toán đề ra. Cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 2 bậc, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công An Giang tăng 7 bậc so năm 2019. Trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh biên giới ổn định…
Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế tỉnh nhà
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển KTXH năm 2021 và các nghị quyết đã được HĐND tỉnh quyết nghị tại kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đề nghị các cấp, ngành tập trung phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả hơn, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư để triển khai nhanh dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thực hiện toàn diện và đầy đủ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội; tập trung thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ về lao động, việc làm cho các DN và người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch COVID-19. Quản lý chặt tuyến biên giới, hạn chế tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, nhất là đường mòn, lối mở, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, với kết quả KTXH những tháng đầu năm 2021 và diễn biến tình hình dịch bệnh hiện tại, nhiệm vụ phát triển KTXH những tháng cuối năm vô cùng khó khăn và nhiều thách thức. Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, ngành, cộng đồng DN và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh. Do vậy, để thực hiện có hiệu quả song song mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển KTXH, các cấp, ngành cần nêu cao quyết tâm thực hiện và khống chế dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch tổng thể về phòng, chống dịch của từng địa phương, phương án xét nghiệm tầm soát F0 trong thời gian kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và các giải pháp cụ thể với mục tiêu cao nhất là đến hết ngày 25-8-2021 kiểm soát được dịch bệnh và quét sạch F0 trong cộng đồng. Tiếp tục thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục quán triệt và triển khai nhiệm vụ theo phương châm “5K + vaccine”; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh. Triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn để duy trì xã hội ổn định.
Tập trung đẩy mạnh sản xuất, ổn định phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tiếp tục quán triệt và cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ: “Kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “Chống dịch như chống giặc”; bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất - kinh doanh, “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Tiếp tục phát huy vai trò trụ đỡ nền kinh tế của ngành nông nghiệp; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, bão lũ để đảm bảo sản xuất nông nghiệp đạt thắng lợi. Tổ chức lại sản xuất gắn với các dự án nông nghiệp của các tập đoàn lớn đã đầu tư; xây dựng chuỗi tiêu thụ hàng hóa nông sản theo hướng bền vững. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng, minh bạch, thuận lợi; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, các hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN. Khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ DN theo nghị quyết của Chính phủ trong lĩnh vực thuế, tín dụng, đất đai, giảm chi phí điện… Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực để chủ động đón bắt thời cơ, thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư sau đại dịch… Bảo đảm công tác quốc phòng - an ninh; đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân.
Bài, ảnh: THU THẢO