An Phú bứt phá để phát triển

22/11/2022 - 06:15

 - Năm 1991, huyện An Phú (tỉnh An Giang) chính thức được tái lập, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện An Phú xác định, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Vượt qua khó khăn

Những ngày đầu tái lập huyện, An Phú có 12 xã và 1 thị trấn, trong đó có 8 xã biên giới, với đường biên dài 42,5km. Giao thông chủ yếu bằng đường thủy. Ngoài tuyến đường huyết mạch là Tỉnh lộ 956 (nay là Quốc lộ 91C) nối liền từ Cồn Tiên (xã Đa Phước) đến xã biên giới Khánh Bình với cảnh “nắng bụi, mưa bùn”, còn lại hầu hết đều là những con đường đất nhỏ hẹp, chỉ dùng được trong mùa nắng, còn mùa mưa đều bị tắc nghẽn.

Toàn huyện có 11.024ha đất sản xuất nông nghiệp, trong tổng diện tích đất tự nhiên 20.896ha. Hầu như toàn bộ diện tích trồng lúa của huyện chỉ sản xuất được 1 vụ/năm. Nhờ các biện pháp thủy lợi, thâm canh tăng vụ, diện tích sản xuất và sản lượng lương thực tăng liên tục, từ 98.800 tấn (năm 1992) tăng lên 230.000 tấn (năm 2021) với nhiều loại giống cho năng suất, chất lượng cao.

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho biết, huyện xác định phát triển thương mại - dịch vụ là số một, trọng tâm là dịch vụ biên mậu. Từ xác định đúng hướng, những năm qua, kết cấu hạ tầng các xã biên giới từng bước hoàn thiện, nhựa hóa giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa.

Cùng với các cửa khẩu trên tuyến biên giới là mạng lưới trung tâm thương mại, hệ thống chợ đã góp phần khai thác hiệu quả kinh tế biên mậu. Tổng trị giá hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu không ngừng tăng trưởng; nếu giá trị hàng hoá xuất, nhập khẩu đạt 102 triệu USD (năm 2006) thì năm 2021 là 1,1 tỷ USD.

Diện mạo An Phú ngày càng khởi sắc

Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cho biết, dưới sự lãnh đạo, đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ đã khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, từng bước đưa An Phú phát triển. Chú trọng huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố và nâng chất, nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tác động tích cực đến việc tu dưỡng đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và cơ quan, đơn vị.

Năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ, không ngại khó khăn, nguy hiểm, tham gia tuyến đầu, góp phần cùng cấp ủy Đảng, chính quyền ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, bảo vệ nhân dân. Có rất nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên xung phong làm nhiệm vụ trực tại các tổ, chốt trên biên giới và cùng với cộng đồng, doanh nghiệp, nhân dân tham gia đóng góp gần 40 tỷ đồng, giúp hàng ngàn lượt hộ nghèo, hộ khó khăn với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”...

Tiếp tục “mục tiêu kép”

Năm 2022, An Phú tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, An Phú triển khai mạnh mẽ các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế biên giới. Trong đó, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, tiếp tục phát triển thị trường… tạo thuận lợi cho người dân khu vực biên giới giao thương hàng hóa. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 650 tỷ đồng; doanh thu bán lẻ và doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 14,58% so năm 2021; giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu đạt 1,55 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ năm 2021.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, như: Tuyến dân cư Khánh An, chợ Long Bình, cầu An Phú - Vĩnh Lộc, Trường nội trú 3 cấp học xã Khánh An. Triển khai mở rộng đường liên xã Phú Hữu - Vĩnh Lộc - Vĩnh Hậu; xây dựng cầu Vĩnh Trường - Đa Phước; quy hoạch khu đô thị, vui chơi, giải trí Bắc Quốc lộ 91C; xây dựng cổng chào An Phú… và tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng các điểm trường học ở xã Phước Hưng theo lộ trình xã nông thôn mới. Lồng ghép mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Theo Chương trình hành động 10-CTr/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025, huyện An Phú đang kêu gọi đầu tư 8 công trình trọng điểm: Khu thương mại - dịch vụ Cửa khẩu Khánh Bình (giai đoạn 2) quy mô 13ha, vốn đầu tư 260 tỷ đồng. Khu du lịch búng Bình Thiên: Quy mô 706,8ha, tại xã Nhơn Hội và Khánh Bình, vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Khu đô thị mới thị trấn An Phú: Quy mô hơn 17ha, tại thị trấn An Phú, vốn đầu tư 450 tỷ đồng. Khu dân cư đô thị Tây sông Hậu: Quy mô 30ha, tại thị trấn An Phú, vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Khu dân cư Mương Tám Sớm: Quy mô 15ha, tại ở xã Quốc Thái, vốn đầu tư 30 tỷ đồng. Khu đô thị Cồn Tiên mở rộng: Quy mô 20ha, tại xã Đa Phước, vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Khu dân cư chợ búng Bình Thiên: Quy mô 3,4ha, tại xã Khánh Bình, vốn đầu tư 85 tỷ đồng. Tuyến dân cư Cột Dây Thép: Quy mô 3,3ha, tại thị trấn An Phú, vốn đầu tư 20 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho biết, nhằm khai thác, phát huy tiềm năng và lợi thế, huyện An Phú đã có nhiều cơ chế, chính sách và hướng đi mới, tạo môi trường thông thoáng để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh triển khai dự án, góp phần vào sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững.

HỮU HUYNH