An Phú đẩy mạnh cải cách hành chính

25/09/2023 - 05:55

 - Công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn huyện An Phú (tỉnh An Giang) thời gian qua đã tạo ra những chuyển biến tốt và mang lại hiệu quả thiết thực, thay đổi phương thức làm việc, tạo được niềm tin, sự đồng thuận lớn từ các tổ chức và cá nhân, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện An Phú khóa VII, xác định: CCHC là một trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện; xây dựng nền hành chính dân chủ, thống nhất, vì Nhân dân phục vụ… 

Thời gian qua, UBND huyện An Phú thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường lãnh, chỉ đạo các cấp, ngành; phối hợp UBND cấp xã, thị trấn triển khai đầy đủ các văn bản của Chính phủ, của tỉnh và kế hoạch của UBND huyện về công tác CCHC đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn. Đài Truyền thanh huyện duy trì phát thanh chuyên mục “Cải cách hành chính” và triển khai kế hoạch phát động phong trào thi đua CCHC; tổ chức cuộc thi “Mô hình, sáng kiến CCHC năm 2022”…

Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện An Phú Võ Văn Dừa, đối với những mô hình, sáng kiến đã được công nhận, UBND huyện chỉ đạo các ngành và UBND xã, thị trấn vận dụng các giải pháp, mô hình hiệu quả, nổi bật là các mô hình đã được UBND huyện công nhận, như: Phân công luân phiên cán bộ không chuyên trách ngồi tại bàn để viết hộ cho người dân (xã Phước Hưng); cử cán bộ ấp trực tiếp tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tận nhà cho người dân (xã Vĩnh Hội Đông); chuyển giao nhân viên bưu điện trực tiếp nhận và trả kết quả tại nhà cho người dân (thị trấn Đa Phước); mô hình trao thư chúc mừng khi cấp giấy chứng nhận kết hôn và thư chia buồn khi cấp giấy chứng tử (xã Vĩnh Hội Đông); mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn, hỗ trợ Nhân dân tự nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (xã Nhơn Hội)…

“Người dân không chỉ được hỗ trợ tận tình mà còn được cán bộ xã trao trả kết quả TTHC tại nhà. Mong rằng mô hình này được phát huy hơn nữa” - ông Bùi Hoàng Anh (thị trấn Đa Phước) phấn khởi. Nổi bật là việc thực hiện Quyết định 766/QĐ-TTg, ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện TTHC, dịch vụ công trên môi trường điện tử. Đến thời điểm hiện tại, huyện An Phú đứng đầu toàn tỉnh, nhất là chỉ số số hóa hồ sơ (59,1%) và thanh toán trực tuyến (43,62%).

Việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được triển khai và thực hiện có hiệu quả. Hiện, 100% phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, thị trấn đã sử dụng chữ ký số cá nhân, chữ ký số chuyên dùng của tổ chức để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng. Tất cả 14 xã, thị trấn đều thành lập Tổ công nghệ số (14 tổ công nghệ số xã, thị trấn và 58/58 tổ công nghệ số khóm, ấp), với hơn 600 thành viên tham gia. 14/14 xã, thị trấn đã tạo nhóm Zalo để thuận tiện trong việc điều hành, quản lý…

Không chỉ vận dụng các mô hình, sáng kiến đã được công nhận, hầu hết các xã, thị trấn đều triển khai mô hình, sáng kiến mới, như: Hỗ trợ công dân tạo tài khoản cá nhân; hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến và thông tin trực tiếp qua số điện thoại về trả kết quả hồ sơ TTHC cho công dân trước hạn (xã Vĩnh Hội Đông); ngày không viết, ngày không hẹn vào thứ tư hàng tuần tại bộ phận trả kết quả (xã Phú Hữu); hỗ trợ công dân nhập thông tin cá nhân vào hệ thống máy vi tính, không viết tay khi làm TTHC về lĩnh vực việc làm (xã Vĩnh Hậu); giúp trẻ làm khai sinh sớm và đúng hẹn (xã Quốc Thái); ứng dụng mã QR niêm yết, tra cứu TTHC, nộp hồ sơ trực tuyến (xã Vĩnh Lộc)…

Việc nâng chất bộ phận "một cửa” huyện, xã, thị trấn hoạt động ngày càng hiệu quả, số lượng hồ sơ được giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ cao. Công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC được thực hiện thường xuyên, đảm bảo theo quy định; tổ chức bộ máy được sắp xếp không trùng lắp, chồng chéo. Bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo theo quy định. Qua đó, đảm bảo công việc được thực hiện nhanh chóng, nâng hiệu quả thực thi công vụ và giải quyết tốt TTHC cho tổ chức, cá nhân.

Phòng Nội vụ đã tham mưu UBND huyện quán triệt, triển khai thực hiện các quy định, quy chế của Trung ương và của tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; tham mưu UBND huyện kiện toàn Tổ kiểm tra công vụ, tiến hành kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Ngoài ra, tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện “Đề án văn hóa công vụ” trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao ý thức, thái độ và văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Theo Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp, thông qua công tác tuyên truyền, áp dụng các mô hình, sáng kiến trong CCHC, cùng với sự quyết liệt chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, các ngành, địa phương, nhất là sự hưởng ứng tích cực của người dân, nên công tác CCHC đạt nhiều kết quả thiết thực. Qua đó, góp phần xây dựng bộ máy công vụ trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ…

 

HỮU HUYNH