Ăn Tết thời… COVID

09/02/2021 - 19:13

 - Tết bao đời nay của người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung luôn là một kỳ nghỉ tuyệt vời và là dịp để ông bà, con cháu, cô bác có dịp sẻ chia bao chuyện vui- buồn, được - mất và cầu mong 1 năm mới bình an, hạnh phúc, phát tài, phát lộc. Vậy mà cơn đại dịch toàn cầu mang tên COVID-19 đã làm mọi thứ xáo trộn, ngay cả chuyện ăn Tết năm nay cũng mang nhiều khác biệt.

Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, kéo theo nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, lao động, việc làm của hàng triệu người. Do vậy, Tết năm nay nhiều gia đình sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” và không còn chi tiêu thoải mái như những năm trước.

Trò chuyện với một bác “xe ôm”, chúng tôi không khỏi chạnh lòng: “Cô biết không, tôi vốn là người cầm vô lăng trên chiếc xe khách về TP. Châu Đốc. Từ khi dịch bệnh bùng phát, nhà xe giảm lượng khách hàng, chủ xe không có doanh thu nên giảm bớt số lượng nhân viên, thay vào đó chính ông chủ và con ông chủ ra lái xe thay thế anh em chúng tôi. Từ ngày mất việc, tôi chạy “xe ôm” để kiếm tiền chợ”.

Trải qua một năm khó khăn, người dân dè sẻn hơn trong chi tiêu dịp Tết

Ly nông, ly hương để mong có cuộc sống đầy đủ hơn chốn làng quê nhưng từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, ước mơ ấy của biết bao người rời quê đi làm công nhân phải tạm gác lại. Gia đình em Lê Minh Đến (ấp Tân Hiệp, xã Vọng Thê, Thoại Sơn) cũng đã từng đi Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh để tìm kiếm việc làm.

Tuy nhiên, kể từ khi có dịch bệnh, vợ của Đến mất việc, bản thân Đến là tài xế lái xe công nghệ Grab cũng không thể bám trụ với nghề vì vắng khách. Bản thân Đến còn mắc thêm nhiều bệnh nên cả 2 vợ chồng đành chọn cách về quê tìm nghề khác sinh sống.

May mắn thay, vợ Đến tìm được nghề may gia công tại một cơ sở ở xã Vọng Thê, đồng lương không nhiều nhưng vẫn có cái để chi tiêu. Mùa Tết năm nay nhà không đủ tiền để cho 2 đứa con xúng xính áo quần, không mua được thức ăn, bánh trái nhiều như năm trước nhưng vợ chồng Đến đã tự động viên nhau có cái ăn đã là tốt. Ngày Tết chỉ cần vợ chồng con cái quấn quít bên nhau đã là hạnh phúc.

 Ăn Tết thời… COVID dẫu thiếu thốn một chút, kém vui, kém tụ tập đông người như mọi năm nhưng điều đó với một số gia đình vẫn là điều may mắn, hạnh phúc. Bởi vẫn còn biết bao gia đình khoắc khoải, ngóng trông người thân nơi vùng đất xa xôi, ở những châu lục, những quốc gia đang chịu thiệt hại về người và kinh tế- xã hội do dịch bệnh gây ra.

Những chuyến bay quốc tế bị tạm hoãn, do vậy việc đến thăm con cháu, ông bà, người thân ở các quốc gia hoặc người thân từ các quốc gia muốn trở về quê hương ngày Tết là điều không thể trong giai đoạn này. Họ chỉ còn cách gặp mặt nhau qua các ứng dụng gọi video, động viên cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, như: tuân thủ các quy định phòng dịch của các nước sở tại, nỗ lực làm việc online để có thêm thu nhập, tiết kiệm chi tiêu để dành chi trả cho các dịch vụ y tế, nâng cao sức khỏe…

Đặc biệt, để dành tặng cho người thân một cái Tết ấm áp, đậm hương vị quê hương, các gia đình đã nghĩ đến việc gửi những món ăn mang hương vị ngày Tết để ở phương trời xa, người thân vẫn có thể làm một mâm cơm chiều 30 Tết, dâng cúng ông bà, tổ tiên.

Đó là tấm lòng thương con, nhớ cháu của cô Bùi Thị Anh Đào (người dân phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên), mong muốn cô con gái Thái Thị Anh Thy (định cư ở Hà Lan) được thỏa mong ước thưởng thức các món ăn dân dã quê nhà trong ngày Tết, ngay từ tháng 10 (âm lịch) cô đã sắm soạn nhiều thứ để gửi sang. Những món rất đỗi bình thường khi ở quê nhà nhưng khi xa quê đã trở thành nỗi nhớ. Nào là các loại mứt me, mứt dừa, thèo lèo, bánh bía, cá linh kho mía, khô cá lóc, khô mực, mắm tép, củ kiệu, cà pháo… Hễ món nào con thích là cô liền tìm mua và đóng gói gửi cho con.

Năm 2020 khép lại với bao khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, thiên tai… Thêm vào đó, đời sống của một số gia đình bị tác động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nên giảm việc làm, cơ hội tìm kiếm việc làm, làm ăn trên các lĩnh vực ngày càng khó hơn trước. Việc đi lại như: du lịch, thăm viếng người thân ở xa cũng bị hạn chế. Đây thật sự là một cái Tết… lạ, nhưng xét về góc độ khác, đó là một cái Tết đáng nhớ.

Bởi thay vì mải mê với “mâm cao cỗ đầy”, “chén chú, chén anh”, người ta bắt đầu biết sống tiết kiệm hơn, ăn một cái Tết giản dị hơn, dành thời gian nhiều hơn để đoàn tụ bên nhau, sẻ chia nhau bao câu chuyện vui buồn của năm cũ. Và hơn lúc nào hết, người không được ăn Tết cùng người thân vì COVID-19, càng thấm thía hơn những giá trị truyền thống quý báu của gia đình, biết trân trọng hơn những tình cảm, sự gắn bó của các thành viên trong gia đình.

Bài, ảnh:  TRÚC PHA