
Các siêu thị, trung tâm mua sắm ngày càng quan tâm đến kênh bán hàng online
Hiện nay, sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử giúp việc mua sắm của người dân ngày càng trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Tại tỉnh An Giang, siêu thị, trung tâm mua sắm đã áp dụng kinh doanh bằng thương mại điện tử qua app, web, ZaloOA…. Đồng thời, tích hợp thanh toán qua ngân hàng chuyển khoản trực tiếp, qua ví Momo, Vnpay QR, Zalopay… Cùng với doanh nghiệp, các nền tảng thương mại điện tử (Shoppe, Tiki, Lazada, Tiktok shop…) hiện đang phát triển nhanh chóng kèm với dịch vụ chăm sóc chu đáo, giúp khách hàng cảm thấy thoải mái, thuận tiện mua sắm.
Không phải mất thời gian đến cửa hàng, cũng không phải chờ đợi thanh toán, người tiêu dùng chỉ cần ở nhà, truy cập Internet, với một vài thao tác đơn giản là có thể mua mọi thứ, có người giao đến tận nơi. Chị Lê Thanh Hồng (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) cho biết, do công việc bận rộn nên chị thường lựa chọn mua hàng qua mạng. Từ quần áo, mỹ phẩm đồ gia dụng, cho đến thực phẩm sử dụng trong gia đình đều mua theo hình thức này. “Giá cả mặt hàng tương đương với cửa hàng, nhưng ưu điểm là tiện lợi, tiết kiệm thời gian” - chị Hồng chia sẻ.
Cũng thường xuyên mua sắm online như chị Hồng, chị Lê Thị Cẩm Nhung (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) chia sẻ thêm: “Các mặt hàng được bán trên sàn thương mại điện tử đều niêm yết giá, mỗi sản phẩm lại có đánh giá từ khách hàng khác, nên tôi có nhiều lựa chọn hơn. Ngoài ra, hình thức thanh toán mua hàng online đa dạng, nhận hàng rồi trả tiền hay chuyển khoản đảm bảo an toàn”.
Không phủ nhận thương mại điện tử giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, mua hàng qua mạng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng. Những website bán hàng uy tín sẽ có quy định cụ thể trong thể thức giao hàng, đổi, trả, quảng cáo hàng, phương thức thanh toán để người tiêu dùng tham khảo, lựa chọn và sử dụng dịch vụ. Thế nhưng, không ít sàn thương mại điện tử, website, đặc biệt là cá nhân bán hàng không đúng thực tế khiến khách hàng bức xúc.
Đặt mua quần jean trên mạng, anh Lê Văn Trường (TP. Châu Đốc) phải ngậm ngùi đem sửa, khi sản phẩm giao tới không giống như cửa hàng giới thiệu. Anh Trường cho biết, trước khi đặt mua, anh đã hỏi người bán hàng rất kỹ, thậm chí còn đọc nhiều phản hồi tốt về shop. Mặt khác, shop chuyên bán hàng online này lại có nhiều lượt thích, nên anh Trường yên tâm tin tưởng chuyển tiền. “Do giá trị quần jean không lớn, tôi không muốn mất nhiều thời gian khiếu nại. Sau này, tôi chỉ chọn mua sản phẩm uy tín trên thị trường mới an tâm được” - anh Trường chia sẻ.
Thực tế cho thấy, để mua sắm trực tuyến thực sự mang lại tiện ích, bên cạnh nỗ lực từ cơ quan quản lý Nhà nước, khách hàng cần chủ động tiêu dùng thông thái, tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này. Cần chọn sản phẩm của nhà sản xuất, phân phối có thương hiệu uy tín, công ty có pháp lý rõ ràng. Đồng thời, kiểm tra kỹ thông tin nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng…
Mặt khác, người tiêu dùng nên lựa chọn sàn thương mại điện tử uy tín, có cam kết cung cấp hàng hóa chính hãng, có chính sách đổi trả, bảo hành rõ ràng. Người tiêu dùng cần hiểu rõ, thỏa thuận theo yêu cầu trước khi đặt hàng. Nếu có vấn đề trong khi giao dịch ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, người tiêu dùng cần có ý kiến, liên hệ đến ngành chức năng để được hỗ trợ.
Điều đặc biệt, hiện nay tội phạm mạng thường nhắm đến đánh cắp dữ liệu cá nhân thông qua ứng dụng và website giả mạo, nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Vì vậy, người tiêu dùng tuyệt đối không truy cập vào đường link, trang web lạ; không cung cấp thẻ trên ngân hàng, cẩn trọng với các cuộc gọi điện thông báo chuyển nhầm tiền…
MINH ĐỨC