An yên thiền viện!

07/01/2025 - 07:22

 - Là điểm đến tâm linh nổi tiếng, Thiền viện Trúc Lâm An Giang được nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái.

Trưa nắng đổ chang chang trên con đường từ thị trấn Óc Eo về thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn), tôi tìm đến Thiền viện Trúc Lâm An Giang. Đây là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhiều năm nay với cảnh đẹp hữu tình.

Từ cổng chính thiền viện, đã cảm nhận ngay sự tôn nghiêm của chốn cửa thiền. Dù trong buổi trưa oi ả, vẫn có rất đông du khách đến đây vãn cảnh, chiêm bái đấng từ bi. Lần đầu đến đây, tôi khá bất ngờ trước sự kỳ công và trí tuệ của những người đã kết hợp yếu tố sẵn có của thiên nhiên với kỹ thuật xây dựng, để thiết kế nên công trình Phật giáo mang vẻ đẹp hùng vĩ, thoát tục. Trước mặt tôi, hồ nước xanh trong lặng lẽ như tờ. Vài chú cá nhởn nhơ bơi lội, gợi mở sự nhẹ nhàng trong tâm hồn.

Dừng chân nghỉ lại bên ghế đá ven hồ, tôi cảm nhận rõ mùi hương thoang thoảng của loài hoa nào đó lẫn vào không gian tĩnh lặng. Là người hay “xê dịch”, nhưng tôi lại muốn ngồi giữa khung cảnh an yên này thật lâu. Phía xa xa, trên đỉnh núi Sập còn có một ngôi chùa trang nghiêm, với kiến trúc khá đẹp càng làm cho khung cảnh trở nên thoát tục.

Vẻ đẹp hùng vĩ, thoát tục của thiền viện Trúc Lâm An Giang

Thi thoảng, có những du khách cũng đến ngồi bên hồ nước. Họ cho cá ăn như một sự giải tỏa áp lực cuộc sống. Có vị khách nữ trung niên cho biết thường đến thiền viện vào dịp cuối tuần. Mỗi lần đến, cô lại thăm hồ cá và cho cá ăn để trở về với sự an yên. Tôi không thể biết những gì đã xảy ra trong cuộc sống người phật tử đó, chỉ thấy nét mặt cô rất hân hoan, như trút bỏ được gánh muộn phiền!

Đây đó trong tầm mắt, là những đóa hoa khoe sắc đủ màu, đủ loại. Tôi thong dong dạo bước trong tiếng đọc kinh vọng lại thâm trầm giữa không gian. Điều thú  vị nhất chính là được leo lên chiếc cầu sắt hình bán nguyệt, để ngắm nhìn toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm An Giang. Chỉ riêng việc thiết kế chiếc cầu cũng đã mang vẻ đẹp độc đáo. Nhìn toàn cảnh, chiếc cầu như mảnh trăng vắt giữa 2 bờ đá, soi mình xuống hồ nước xanh trong. Đây cũng là góc ảnh đẹp để những người đam mê chụp ảnh có được tác phẩm ưng ý.

Lên đến vị trí cao nhất của chiếc cầu sắt, bạn sẽ thu vào tầm mắt toàn cảnh của công trình Phật giáo tuyệt đẹp này. Trong thời khắc ấy, tôi thỏa thích tận hưởng sự thoáng đãng của đất trời. Thi thoảng, mấy cơn gió ùa đến càng làm cho lòng người dịu lại, tạm quên đi những muộn phiền của cuộc sống. Có lẽ, đây chính là sự mong mỏi của nhiều người khi tìm về cửa Phật.

Sau thời gian tận hưởng sự khoáng đạt của thiên nhiên, tôi lại tiếp tục dạo quanh khu chánh điện, nhà tổ, giảng đường, cổng tam quan… để cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp đặc trưng trong kiến trúc của Thiền viện Trúc Lâm. Những mái chùa cong vút, những hàng cột vuông đều đặn, những góc sân được thiết kế rất Việt Nam, phảng phất chút gì đó vừa tao nhã, vừa bình yên.

Nhiều bạn đến đây thường xuyên, nên khá tự nhiên và thành tâm. Vài bạn trẻ khác thì rủ nhau chụp ảnh, check-in vẻ đẹp độc đáo của thiền viện. Địa điểm thích nhất của các bạn chính là những chậu hoa sen, xen lẫn vào đó là những bông hoa sala buông mình đỏ rực giữa không gian.

Riêng tôi, lại ấn tượng với lầu chuông - lầu trống. Hai công trình được xây dựng đối xứng nhau, thiết kế vừa nguy nga, lại vừa mang đậm dấu ấn của chùa chiền Việt Nam. Điều tôi ấn tượng nhất là những câu kệ trên chiếc chuông, chiếc trống to bản đặt trong 2 công trình, thể hiện rất rõ tinh thần nhập thế, vì đạo pháp, vì dân tộc của Thiền phái Trúc Lâm.

Dù chỉ là chuyến thăm ngắn ngủi, nhưng Thiền viện Trúc Lâm An Giang đã để lại những ấn tượng khó quên. Nếu có dịp, bạn hãy đến đây một lần, để chiêm ngưỡng khung cảnh thoát tục, để chiêm bái đấng từ bi và tìm về sự an lạc trong tâm hồn.

Thiền viện Trúc Lâm An Giang tọa lạc tại ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn), có diện tích toàn khu vực gần 15ha, với 18 hạng mục chính, như: Chánh điện, nhà tổ, giảng đường, lầu chuông, lầu trống, cổng tam quan, phương trượng, thất trụ trì, nhà khách ni, nhà khách trụ trì, nhà mát… Tổng kinh phí hoàn thành theo báo cáo hoàn công hơn 200 tỷ đồng, từ nguồn vận động xã hội hóa.

THANH TIẾN