Áp lực giáo dục

24/04/2018 - 07:58

 - Sự việc nam sinh lớp 10 tự tử tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) vừa qua làm cho xã hội không khỏi giật mình và nghiêm túc nhìn nhận lại phương pháp giáo dục (GD) trong nhà trường cũng như cách phụ huynh (PH) kỳ vọng vào con cái trong việc học tập. Làm sao để chuyện học là niềm đam mê, là sự tự ý thức, tự rèn luyện thì việc GD mới đạt hiệu quả thật sự.

Mùa thi gần đến, học sinh (HS) phổ thông đang đứng trước áp lực không nhỏ trước các kỳ tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi THPT quốc gia, sinh viên (SV) đại học càng chịu nhiều áp lực trước môn thi tốt nghiệp hay đề tài khóa luận. Mỗi giai đoạn học tập, việc kiểm tra, đánh giá kiến thức, chất lượng bằng các hình thức điểm số, thi cử là chuyện cần thiết để các em HS khẳng định năng lực trước khi bước vào cấp học cao hơn. Do vậy, những lúc khó khăn, chạy đua về thời gian và sự dung nạp kiến thức, HS cần lắm sự động viên, quan tâm của giáo viên, PH hơn là sự tạo thêm áp lực. Bởi, với độ tuổi thanh, thiếu niên, các em chưa thể vững vàng, mạnh mẽ để xử lý những khó khăn, áp lực của bản thân, cộng thêm tâm lý phức tạp, bốc đồng của tuổi mới lớn, các em sẽ đi đến những cách nghĩ tiêu cực và hành động xốc nổi, tự hủy hoại bản thân như một sự kết thúc những đau khổ, áp lực. Điều đó là một hành động vô cùng dại dột và cần được giáo viên, PH phân tích, giáo dục.

Tại Ngày hội tuyển dụng vừa diễn ra tại An Giang, MC, nhà báo Lê Đỗ Quỳnh Hương đã chia sẻ đề tài “Sống có định hướng” cho HS, SV. Là diễn giả có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chia sẻ những chuyên đề kỹ năng cho HS, SV, nhà báo Lê Đỗ Quỳnh Hương đã có sự đồng cảm với những áp lực của các em HS trong môi trường GD hiện nay. Song, cũng đã đưa ra lời khuyên các em nên tập trung tốt cho việc học để tạo nền tảng kiến thức vững chắc cho tương lai. Trong quá trình học tránh rơi vào thái cực hoặc quá lơ là việc học, mê game, mê mạng xã hội, ăn chơi hưởng thụ hoặc quá tự tạo áp lực, đặt mục tiêu học tập quá sức. Các em hãy xem việc kiểm tra, thi cử như một thử thách, mỗi lần vượt qua thử thách sẽ cảm thấy bản thân trưởng thành hơn về nhiều mặt như: tâm lý, tính cách, kỹ năng, trình độ hiểu biết. Nếu không có thử thách, các em HS sẽ không được đánh giá đúng năng lực, tự hài lòng với kết quả học tập hiện tại. Còn khi điểm số, kết quả không như mong muốn, các em cần can đảm đối mặt với hiện thực, mạnh dạn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của bản thân cho cha mẹ trước tiên để cha mẹ có sự thấu hiểu bản thân các em đã có sự nỗ lực nhưng do còn yếu kém năng lực, sở trường, niềm đam mê các môn học, sự lựa chọn nghề nghiệp.

Ngay khi chưa đạt được mục tiêu học tập ngay tại thời điểm này thì các em cần cho mình thêm thời gian để làm mới bản thân, xác định mục tiêu học tập mới cũng như tự trang bị, bồi dưỡng phương pháp học tập thích hợp cho bản thân. Các em phải nhận ra rằng bản thân còn rất trẻ, còn rất nhiều thời gian, cơ hội để phấn đấu, bởi việc học ngày nay không chỉ gói gọn trong những tháng năm trên ghế nhà trường mà còn là quá trình rèn luyện suốt đời, ai ai cũng phải vừa lao động, vừa nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, cập nhật những tri thức khoa học - kỹ thuật hiện đại để phục vụ tốt hơn trong công việc. Về phía PH, nhà báo Lê Đỗ Huỳnh Hương cũng mong rằng, cha mẹ phải là người thấu hiểu những ước mơ, nguyện vọng của con, những trở ngại tâm lý lứa tuổi mà các em đang vướng phải để có sự tháo gỡ kịp thời. Cha mẹ hãy là người định hướng tốt cho việc lựa chọn ngành, nghề, việc làm cho con, nhưng chỉ nên gợi ý chứ không mang tính áp đặt. Đừng nên tạo áp lực lên con cái, bắt chúng theo học những ngành, nghề không phù hợp với đam mê và sở trường bản thân. Nếu không được học hay làm điều yêu thích thì mọi điều cha mẹ cho là tốt đẹp sẽ trở thành những áp lực, trở ngại trên bước đường học vấn và sẽ không đạt được hiệu quả GD thật sự.

NGỌC GIANG