Ngày 5-11, các phiên thảo luận kỹ thuật của các quan chức cấp cao APEC đã kết thúc, đặt cơ sở để các bộ trưởng APEC đưa ra những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị cấp bộ trưởng diễn ra trong ngày 8 đến 9-11. Phát biểu sau thảo luận, ông Vangelis Vitalis, chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao APEC 2021 nhấn mạnh: “Chưa từng có thời điểm nào quan trọng như hiện nay để các nền kinh tế hợp tác, cùng chia sẻ, tái thiết phục hồi... Các quan chức cấp cao các nền kinh tế đã làm việc suốt năm qua, thảo luận về các vấn đề liên ngành và nhiều chương trình khác nhau để nâng cao hiệu quả của APEC trong ứng phó với khủng hoảng và hỗ trợ cho việc phục hồi”.
Trọng tâm các cuộc thảo luận là các vấn đề kinh tế và thương mại giúp củng cố đà phục hồi, tăng cường tính bền vững và bao trùm của quá trình phục hồi, đồng thời theo đuổi sự phục hồi sáng tạo và được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số. Ông Vitalis cho biết thêm mọi sáng kiến phục hồi đều cần tính đến tác động của cuộc khủng hoảng đến phụ nữ, thanh niên, các nhóm bản địa và các doanh nghiệp nhỏ. Ông nhấn mạnh đó là “chìa khóa cho sự phục hồi thành công của khu vực”.
Ngoài nội dung về cuộc khủng hoảng hiện nay, các quan chức cấp cao cũng thảo luận về công việc của APEC trong 2 thập kỷ tới theo kế hoạch thực hiện Tầm nhìn APEC 2040.
Bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand, nước đăng cai hội nghị APEC lần thứ 28. Ảnh tư liệu: Thống Nhất-TTXVN
Theo chương trình nghị sự, hoạt động quan trọng nhất trong Tuần lễ cấp cao APEC là Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28 sẽ do Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden chủ trì, diễn ra trong ngày 11-12-11 theo hình thức trực tuyến, thảo luận về định hướng và tầm nhìn chiến lược cho hợp tác tương lai giữa các nền kinh tế APEC.
APEC được thành lập vào năm 1989 với sứ mệnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hợp tác APEC tập trung vào 3 trụ cột chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hoá kinh doanh, và hợp tác kinh tế - kỹ thuật.
Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, cho đến nay APEC có 21 thành viên, trong đó có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, 9 thành viên trong nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương. Các nền kinh tế APEC hiện chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 48% kim ngạch thương mại và gần 40% dân số thế giới, tham gia vào tổng số 170 thỏa thuận thương mại và thương mại tự do khu vực. Tháng 11-2020, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040, hướng tới “một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai”.
Theo PHƯƠNG HÀ (Báo Tin Tức)