Các hãng lữ hành tại Việt Nam tung ra nhiều gói kích cầu trong nước (Ảnh: Indochina Tours Asia)
Chưa khi nào như hiện nay, trong bối cảnh đại dịch, hầu hết các quốc gia ASEAN đã phải thực hiện lệnh cấm các chuyến bay thương mại, do đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền công nghiệp du lịch trong khu vực.
Thiệt hại khổng lồ
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho hay, đại dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào ngành du lịch nước này với ước tính thiệt hại lên tới 2,37 tỷ RM (789,6 triệu USD) chỉ trong vòng hai tháng đầu năm 2020.
Năm 2020 đã từng được kỳ vọng là một năm quan trọng của ngành du lịch Malaysia với các kế hoạch chủ đạo cho chiến dịch “Visit Malaysia 2020”.
Quốc gia thành viên ASEAN này trông đợi sẽ thu hút được khoảng 30 triệu du khách trong năm nay, giúp tạo ra tổng thu từ du lịch đạt 21,5 tỷ USD. Nhưng không may, đại dịch Covid-19 đã làm phá sản các kế hoạch phát triển du lịch của Malaysia.
Đóng góp của ngành du lịch vào việc làm và GDP ở các nước ASEAN (Nguồn: The ASEAN Post)
Tại Thái Lan, ông Don Nakornthab, Giám đốc Chính sách kinh tế tại Ngân hàng Thái Lan thông tin, năm 2020, Thái Lan mất khoảng năm triệu du khách, gây thiệt hại lên tới 250 tỷ baht (hơn 8 tỷ USD) trong tổng thu của ngành du lịch.
Tại Philippines, tổng thu du lịch từ du khách nước ngoài giảm tới 35% trong ba tháng đầu năm 2020.
Việt Nam cũng ghi nhận mức giảm 98% lượng du khách trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, hết tháng 8-2020, tỷ lệ hủy phòng các khách sạn là khoảng 98-100% ở hầu hết các địa phương. Số lượng hủy tour tại Hà Nội là 32.000 tour, tại thành phố Hồ Chí Minh là 35.000 tour... Rất nhiều công ty du lịch phải xử lý đơn hủy, hoãn tour của khách đến hết năm.
Các tác động tiêu cực của đại dịch tới ngành công nghiệp không khói có thể được thấy ở toàn khu vực khi hàng triệu lao động trong ngành du lịch và khách sạn bị mất việc làm và nhiều khách sạn phải đóng cửa vì đại dịch.
Du lịch nội địa là cứu cánh
Trong bất cứ cuộc khủng hoảng kinh tế, bất ổn về chính trị, thiên tai, dịch bệnh bùng phát, ngành du lịch luôn là một trong những “chỉ báo” cho thấy mức độ của biến động. Nhưng, du lịch cũng được xem như “lò xo giảm xóc” hiệu quả giúp kinh tế địa phương vượt qua khó khăn, từng bước hồi phục trở lại. Đặc biệt trong đại dịch toàn cầu, các nước đều nhận thức tầm quan trọng của du lịch nội địa.
Theo Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri, mặc dù sự hồi sinh của du lịch trong nước có thể không thể thúc đẩy hoạt động của toàn bộ ngành khách sạn, nhưng nó có thể làm giảm tác động đến nền kinh tế nói chung.
Malaysia: Du lịch nội địa sẽ giữ chân các doanh nghiệp nhỏ hoạt động (Ảnh: CNA)
Trả lời hãng tin CNA, bà Nancy nhận định: “Du lịch nội địa sẽ giữ chân các doanh nghiệp nhỏ hoạt động và giúp kích thích nền kinh tế địa phương cho đến khi du lịch quốc tế hoạt động trở lại”.
Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia, bà Nancy Shukri hồi tháng 6 tuyên bố, Malaysai sẽ nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp du lịch đang chịu tác động nặng nề bằng việc tập trung vào du lịch nội địa cũng như quảng bá, tiếp thị quốc gia này là điểm đến an toàn.
Bà Nancy giải thích: “ Mặc dù chiến dịch “Visit Malaysia 2020” đã bị hoãn lại, các nỗ lực quảng bá đất nước như một điểm đến an toàn với tất cả du khách sẽ vẫn tiếp tục. Để khởi động, chúng tôi muốn điều này được chứng minh thông qua du lịch nội địa và tất cả chúng ta sẽ là một phần để thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch”.
Song ở mặt tích cực khác, giới chức nước này kỳ vọng hoạt động du lịch nội địa sẽ tăng thêm 30% trong vòng sáu tháng đến một năm.
Để giúp đỡ lĩnh vực du lịch, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã thông báo vào ngày 5-6 rằng nhiều ưu đãi thuế sẽ được áp dụng. Cụ thể, miễn thuế du lịch trong thời gian từ ngày 1-7 đến ngày 30-6 năm sau và giảm thuế thu nhập cá nhân lên tới 1.000 RM cho các chi phí du lịch trong nước cho đến ngày 31-12-2021.
Việc miễn thuế dịch vụ cho các khách sạn cũng đã được gia hạn đến ngày 30-6 năm sau.
Xu hướng tương tự cũng có thể thấy ở nhiều nước trong khu vực.
Cho đến nay, để cứu vãn ngành du lịch đang bên bờ vực, Thái Lan đã công bố kế hoạch đón du khách quốc tế trở lại với những quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Nhưng các quốc gia khác trong ASEAN, ngay cả Thái Lan cũng vẫn xác định du lịch nội địa là “cứu cánh” cho ngành du lịch.
Chính phủ Thái Lan gần đây đã thông qua một gói kích cầu du lịch trong nước trị giá 22,4 tỷ THB (718 triệu USD) để tăng tốc độ phục hồi trong ngành du lịch và lữ hành bị bao vây bởi Covid-19. Kế hoạch kích cầu này bao gồm ba gói nhằm vào nhân viên tuyến đầu, những người ở khách sạn và những người sử dụng phương tiện giao thông trong nước để đi du lịch. Dự kiến, một phần ba dân số của vương quốc này sẽ thực hiện các chuyến du lịch giải trí trong nước trong nửa cuối năm 2020.
Du lịch nội địa tại Thái Lan được kỳ vọng giúp vực dậy ngành du lịch (Ảnh: CNA)
Ông Thanawat Pholvichai, Hiệu trưởng Đại học Phòng Thương mại Thái Lan ước tính du lịch nội địa ở nước này sẽ nâng cao thu nhập từ nay đến cuối năm với mỗi khách du lịch địa phương dự kiến chi khoảng 2.000 THB (64 USD) đến 3.000 THB (US $ 96) mỗi chuyến đi.
Theo chiến dịch kích cầu du lịch nội địa từ ngày 1-7 đến hết 31-10, chính phủ Thái Lan sẽ chi trả 40% giá phòng bình thường trị giá không quá 3.000 Baht (96,56 USD) mỗi đêm.
Chương trình kích cầu được gọi là “We Travel Together” (Tạm dịch là “Cùng nhau đi du lịch”) cung cấp 5 triệu đêm lưu trú tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Thái Lan. Để tham gia, người Thái có thể đăng ký trực tuyến để được hưởng trợ cấp khi đặt chỗ ở. Tuy nhiên, có giới hạn năm đêm cho mỗi người.
Bên cạnh trợ cấp chỗ ở, chính phủ Thái Lan cũng sẽ trợ cấp 2 triệu vé máy bay theo nguyên tắc tương tự - bao gồm 40% vé máy bay trị giá không quá 1.000 Baht/chỗ, trong khi du khách phải trả phần còn lại.
Bà Thapanee Kiatphaibool, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh và sản phẩm du lịch của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho hay, sắp tới TAT có thể tung ra nhiều gói kích cầu hơn như “Ở lại và Làm việc từ đâu đó”. Điều này sẽ cho phép các công chức hoặc nhân viên văn phòng làm việc ở những nơi khác ngoài văn phòng của họ, bằng cách tận dụng công nghệ viễn thông.
Trong khi đó Campuchia đã đón gần 400.000 khách du lịch địa phương trong ba tuần đầu tiên của tháng 5. Điều này đã thúc đẩy Bộ Du lịch của đất nước hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân để thực hiện các hướng dẫn an toàn cho du lịch nội địa theo các quy định của Bộ Y tế.
Với hơn 17.000 hòn đảo, Indonesia nằm ở vị trí hoàn hảo cho chuyến du lịch hậu Covid-19. Song tình trạng bùng phát Covid-19 tại quốc đảo này chưa có dấu hiệu lắng dịu khiến chính phủ nước này tiếp tục hoãn kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế. Ngành công nghiệp không khói tiếp tục phụ thuộc vào du lịch nội địa. Để khởi động lại ngành du lịch có lãi, chính phủ đã dành 3,8 nghìn tỷ IDR (258 triệu USD) để phát triển các điểm đến chất lượng và đưa ra các sáng kiến tiếp thị mới.
Nhận thức du lịch trong nước sẽ là lĩnh vực đầu tiên phục hồi sau khi hoạt động du lịch trở lại, ông Wishnutama Kusubandio, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia, đang khuyến khích người dân Indonesia khám phá xứ “Vạn đảo”. Nước này đang chuyển toàn bộ trọng tâm của mình trong việc khai thác thị trường nội địa rộng lớn của Indonesia.
“Năm 2018, 8 triệu khách du lịch từ Indonesia đã chi 9 tỷ USD ra nước ngoài. Đó là một tiềm năng. Nếu họ chi tiêu (số tiền đó) ở Indonesia, du lịch của Indonesia sẽ phục hồi” ông Kusubandio đánh giá về tiềm năng của thị trường du lịch nội địa.
Du lịch Bali xác định dựa vào du khách nội địa để phát triển bền vững (Ảnh: REUTERS)
Ông I Wayan Koster, Thống đốc Bali, cho biết, năm 2019, hòn đảo du lịch Bali đón 6,3 triệu du khách nước ngoài, thu về 116 nghìn tỷ IDR (7,8 tỷ USD) cho hòn đảo này. Tuy nhiên, tổng doanh thu đó gần bằng với 9,8 triệu lượt khách du lịch nội địa đến thăm hòn đảo cùng năm.
Bởi thế, ông Koster nhấn mạnh, nền kinh tế sẽ mạnh hơn và bền vững hơn nếu người Indonesia đi du lịch trong nước, thay vì đất nước phụ thuộc vào lượng khách du lịch nước ngoài.
Hôm 24-9, chính phủ Indonesia đã công bố chương trình cung cấp các tour du lịch và lưu trú miễn phí cho 4.440 cư dân của hòn đảo nghỉ dưỡng Bali, trong một đợt du lịch kéo dài bảy tuần để thử nghiệm các quy trình chăm sóc sức khỏe trong địa đại dịch Covid-19 tại các điểm du lịch, nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch an toàn.
Du lịch an toàn lên ngôi tại Việt Nam
Tại Việt Nam, chính sách dồn lực kích cầu du lịch nội địa đã được vận dụng thành công trong giai đoạn vượt qua tác động của dịch SARS năm 2003, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2009… Nhờ đó, du lịch Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng ấn tượng.
Tại Việt Nam, đóng góp về doanh thu của du lịch nội địa chiếm khoảng 40% đến 45%, khá cân đối so với doanh thu từ du lịch quốc tế. (Ảnh: TCDL)
Không nằm ngoài vòng xoáy khủng hoảng của đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch quốc tế bị “đóng băng” khiến du lịch toàn cầu nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.
Nhưng bài học từ các biến động trên đã giúp ngành du lịch Việt Nam nhận thức du lịch nội địa được xác định là “điểm tựa” cho ngành du lịch hồi sinh. Ngay sau khi đại dịch được khống chế thành công ở trong nước, đầu tháng 5-2020, Bộ VHTTDL đã nhanh chóng phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Chương trình được các địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tích cực triển khai và đã đạt được những hiệu quả tích cực. Thị trường sôi động trở lại, tần suất các chuyến bay trong nước dần khôi phục, thậm chí tăng thêm, công suất buồng phòng tăng mạnh trở lại, một số nơi đạt 50-60% vào giữa tuần và 80-90% vào cuối tuần.
Tuy nhiên, dịch tái bùng phát từ cuối tháng 7-2020 đã giáng cú đánh bồi vào sức chống chịu của ngành du lịch vốn đã suy yếu sau ảnh hưởng của dịch giai đoạn trước. Hoạt động du lịch một lần nữa lại bị đình trệ, tiềm ẩn nguy cơ cao đứt gãy chuỗi cung ứng du lịch trong nước.
Với những nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng, Việt Nam đã tiếp tục từng bước kiểm soát tốt dịch để phấn đấu thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Nhưng sau đợt bùng phát Covid-19 lần hai này, những người làm du lịch càng nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của du lịch an toàn. Ngày 18-9, Bộ VHTTDL đã phát động chiến dịch kích cầu du lịch lần hai với hai yếu tố then chốt an toàn và hấp dẫn. Trong chiến dịch kích cầu đến hết năm 2020 này, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Yếu tố an toàn ở đây không chỉ từ phía các công ty lữ hành, các nhà cung cấp dịch vụ, mà còn ở cả hành động của các du khách. Chỉ có bảo đảm thực hiện du lịch an toàn mới lấy lại được lòng tin của du khách trong nước. Từ đó thúc đẩy quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn với du khách quốc tế.
Liên kết vùng du lịch cũng trở thành điểm nhấn của chiến dịch kích cầu du lịch đợt hai để tạo ra yếu tố hấp dẫn du khách trong nước, đồng thời cũng bảo đảm tính an toàn, nhanh nhạy trong việc phối hợp xử lý những tình huống bất ngờ có thể xảy.
TP Đà Nẵng, từng là tâm dịch trong đợt bùng phát Covid-19 đợt hai, đã đón đoàn khách nội địa đầu tiên hôm 4-10 là minh chứng cho thấy, một khi bảo đảm được yếu tố an toàn, nhất định du lịch nội địa sẽ hồi sinh và phát triển bền vững hơn sau những “cơn bão” bất ngờ.
Covid-19 rõ ràng đang mang tới những hậu quả xấu với ngành du lịch. Song mặt khác, đại dịch mang tới bài học giúp toàn xã hội nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của thị trường nội địa với quy mô dân số gần 100 triệu người. Thị trường nội địa chính chỉ là những điểm tựa vững chắc để ngành du lịch đứng vững trước những thách thức bất khả kháng.
Theo NGUYỄN TRANG (Báo Nhân Dân)