AMM-54 đánh giá cao nỗ lực triển khai các ưu tiên trong năm ASEAN 2021; hoan nghênh các sáng kiến, như Lá chắn ASEAN tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó thảm họa thiên tai, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương; cam kết đẩy mạnh hợp tác, trong đó kiểm điểm triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, thúc đẩy hợp tác tiểu vùng... ASEAN nhất trí tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vắc-xin ngừa Covid-19; khẩn trương triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường về vắc-xin, Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Hội nghị thảo luận về tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN và khẳng định giá trị của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. ASEAN nhất trí thiết lập quan hệ Ðối tác đối thoại với Anh và quan hệ Ðối tác theo lĩnh vực với Brazil; chấp thuận đề nghị của Hà Lan, Hy Lạp, Ðan Mạch, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Oman tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Ðông Nam Á (TAC).
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Ðông, các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về tình trạng bồi đắp và các sự việc nghiêm trọng, trong đó có vấn đề gây tổn hại đến môi trường biển; khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; kêu gọi kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hội nghị tái khẳng định tầm quan trọng thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, hướng tới COC hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế. Các nước cũng nhấn mạnh việc triển khai toàn diện và kịp thời văn kiện Ðồng thuận 5 điểm, đạt được tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN tháng 4/2021; khẳng định mong muốn của ASEAN hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn, vì lợi ích của người dân.
Theo báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN, tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN lần thứ 23, diễn ra cùng ngày, hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN tiếp tục được thúc đẩy, theo đó 280 trong tổng số 290 dòng hành động đã được đưa vào triển khai; hợp tác ứng phó Covid-19 và thúc đẩy phục hồi đạt kết quả quan trọng; quan hệ giữa ASEAN với các đối tác được làm sâu sắc hơn...
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 29, khẳng định quyết tâm giữ vững đà hợp tác của ASEAN, các Bộ trưởng đã thông qua nhiều sáng kiến liên quan xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, ứng phó Covid-19 và phục hồi sau đại dịch, nâng cao năng lực ứng phó thảm họa thiên tai, tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0...
Tại phiên Ðối thoại hằng năm giữa các Bộ trưởng Ngoại giao với các đại diện của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), các Bộ trưởng hoan nghênh AICHR đã nỗ lực bảo đảm hiệu quả và tiến độ triển khai hoạt động trong "trạng thái bình thường mới"; khuyến khích AICHR tiếp tục tăng cường phối hợp các cơ quan ASEAN và các đối tác để lồng ghép vấn đề nhân quyền trong triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN và các sáng kiến của ASEAN, gia tăng chất lượng cuộc sống và các quyền cơ bản của người dân trong khu vực.
Tại Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Ðông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), các nước ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp ước SEANWFZ đối với an ninh khu vực; cam kết duy trì khu vực Ðông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, đồng thời bảo đảm quyền của các nước sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình; khẳng định tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước SEANWFZ giai đoạn 2018 - 2022 và nhất trí tiếp tục tham vấn, thúc đẩy các nước sở hữu vũ khí hạt nhân sớm ký kết Nghị định thư Hiệp ước SEANWFZ.
Trong khuôn khổ AMM-54, các Bộ trưởng ASEAN đã chứng kiến trao Giải thưởng ASEAN năm 2020 cho Trung tâm nghiên cứu ASEAN (ASC), thuộc Viện Nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak (Singapore). Giải thưởng ASEAN được trao hằng năm nhằm vinh danh các cá nhân, tổ chức trong khu vực có những đóng góp quan trọng đối với nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Theo Báo Nhân Dân