Chủ động, linh hoạt từ rất sớm
Ông Trần Quang Tấn cho biết, theo thống kê, năm 2021, diện tích vải của tỉnh đạt 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20-5 đến cuối tháng 7 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ 20-5; vải thiều chính vụ từ 10-6). Mùa thu hoạch vải 2021 đang cận kề, trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không để sản xuất đứt gãy, tỉnh đã ban hành kế hoạch tiêu thụ vải thiều, cùng nhiều giải pháp hỗ trợ việc mua, bán vải cho bà con
Theo đó, kịch bản 1, nếu dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi với sản lượng tiêu thụ 50% trong nước (khoảng 90.000 tấn), 50% xuất khẩu (khoảng 90.000 tấn), vải được tiêu thụ tại thị trường trong nước tập trung tại các chợ đầu mối; tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị; doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử. Thị trường xuất khẩu gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Mỹ, EU…
Kịch bản 2, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, vẫn trong tầm kiểm soát, sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước (khoảng 130.000 tấn), 30% xuất khẩu (khoảng 50.000 tấn). Vải tiêu thụ trong nước tại các chợ đầu mối như: Thủ Đức, Bình Điền (TP Hồ Chí Minh), Long Biên (Hà Nội), Hòa Cường (Đà Nẵng)… sản lượng khoảng 55.000 tấn; các tập đoàn phân phối lớn 20.000 tấn; sàn thương mại điện tử 2.000 tấn; chợ truyền thống 13.000 tấn và một phần vải dành để sấy khô.
Kịch bản 3, khi dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân tại thị trường trong nước. Tiêu thụ tại các chợ đầu mối lớn 80.000 tấn; các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 30.000 tấn; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu (gồm: Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao, Công ty TNHH MTV Dũng Sỹ, Công ty Thực phẩm Á Châu…) 30.000 tấn. Số còn lại tiêu thụ tại chợ truyền thống, sàn giao dịch thương mại; để sấy khô và chế biến khác.
Phân loại sản phẩm quả vải thiều tươi tại nhà máy của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN.
Bên cạnh xây dựng kịch bản ứng phó theo tình hình của dịch COVID-19, ngay từ đầu tháng 5, tỉnh đã thành lập các tổ chốt, trạm tại các tuyến đường, cửa ngõ ra vào vùng vải tập trung của các vùng trồng vải như Tân Yên, Lục Ngạn để kiểm soát công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các chốt chặn giúp đảo đảm an toàn vùng sản xuất vải thiều, không có trường hợp F1 ở khu vực các vùng vải tập trung. Người dân cũng được vận động không đi ra nơi khác.
"Đồng thời, các đơn vị như Công Thương, Nông nghiệp, Y tế sẽ phối hợp để lập hồ sơ và giấy xác nhân lô hàng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh COVID-19 với các nội dung liên quan đến chủ lô hàng, ngày xét nghiệm và kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2; xuất xứ lô hàng, khối lượng lô hàng, cơ sở đóng gói... và cả thông tin về lái xe vận chuyển kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV -2... Việc thiết lập vùng nông sản an toàn sẽ tạo tâm lý yên tâm cho khách hàng”, ông Trần Quang Tấn cho biết.
Tuy nhiên hiện nay, khâu lưu thông, vận chuyển hàng nông sản của Bắc Giang qua các tỉnh, thành phố, cửa khẩu cũng gặp nhiều khó khăn. Các phương tiện vận tải chở nông sản, hàng thiết yếu và nguyên, vật liệu từ Bắc Giang đi các địa phương đều bị các chốt kiểm dịch chặn lại, không cho lưu thông. Ngược lại, các phương tiện vận tải của các địa phương vận chuyển hàng hoá tới Bắc Giang khi trở về lái xe phải cách ly tập trung 21 ngày.
Do đó, để đảm bảo "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế", tỉnh Bắc Giang đề nghị các địa phương cho phép phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hoá thiết yếu của Bắc Giang thông thương qua các cửa khẩu, cũng như được lưu thông qua các tỉnh, thành phố thuận lợi.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản và mong muốn các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối... tích cực tiêu thụ.
“Sau khi Bắc Giang gửi văn bản thì nhiều tỉnh cũng đã có phản hồi. Hi vọng việc lưu thông, kiểm dịch được thuận lợi để tiêu thụ nông sản cho bà con”, ông Tấn cho hay.
Đảm bảo tiêu thụ và xuất khẩu nông sản
Tính đến 16 giờ ngày 23-5, toàn tỉnh Bắc Giang đã thu hoạch được gần 2.100 tấn vải chín sớm. Trong đó, xuất khẩu sang 2 cửa khẩu tại Lào Cai và Lạng Sơn sang Trung Quốc là 1.100 tấn (chiếm trên 50%). Đồng thời, tỉnh cũng đang xúc tiến làm thủ tục xuất khẩu sang các nước như Anh, Úc, Singapore và Nhật Bản…
"Đối với mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, bà con đang thu hái để đưa về cơ sở xông hơi, khử trùng ở Lục Ngạn, thưc hiện quy trình dưới sự giám sát của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được phía bên Nhật Bản ủy quyền và xuất sang Nhật Bản vào 26-5”, ông Trần Quang Tấn cho biết.
Theo ông Đinh Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo (Lục Ngạn), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên việc xuất khẩu vải năm nay sẽ khó khăn hơn những năm trước. Tuy nhiên, hiện nay công ty đã nhận được khá nhiều đơn hàng xuất khẩu, lên tới vài nghìn tấn. Được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, tỉnh phối hợp với đại lý Alibaba.com tại Việt Nam đã hoàn thiện thủ tục và đưa vải thiều, cũng như nông sản khác lên sàn giao dịch thương mại điện tử Alibaba.com. Đây hứa hẹn là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp.
Vải thiều Bắc Giang sẽ được bán trên sàn thương mại điện tử và xuất sang nước ngoài. Ảnh: TTXVN.
Sở Công Thương Bắc Giang cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh (ưu tiên đơn vị sản xuất, tiêu thụ, chế biến vải thiều) xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến gồm: Website, hệ thống email, fanpage trên Facebook…để tham gia sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang: http:--www.san24h.vn và các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và nước ngoài như: Lazada, Shopee, Tiki, Alibaba…
Cùng với đó, Bắc Giang cũng kết nối với bạn hàng Trung Quốc, làm việc với Đại sứ quán, Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam và Tham tán thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc để kết nối với 190 thương nhân được sang Bắc Giang mua vải. Cùng với đó thực hiện phương thức giao nhận hàng mới đảm bảo phòng dịch COVID-19.
Bắc Giang còn phối hợp với bên Hải Quan, Y tế, Kiểm dịch thực hiện đúng thông lệ thương mại quốc tế mở C-O xuất khẩu. Cùng với đó, thương nhân Trung Quốc cũng tạo điều kiện để việc xuất khẩu qua các cửa khẩu thuận lợi hơn. Hai bên thỏa thuận chọn một điểm để xe và lái xe của Việt Nam chuyển hàng đến và dừng lại, xe được phun khử khuẩn, sau đó lái xe của Trung Quốc sẽ đến điểm đó, lái xe đến điểm giao hàng bên Trung Quốc. Sau khi giao hàng xong, lái xe phía bạn hàng Trung Quốc sẽ đánh xe về điểm giao xe ban đầu, sau khi phun khử khuẩn thì lái xe Việt Nam lại lái xe đó về chở hàng, việc này tránh tiếp xúc trực tiếp, hoàn toàn đảm bảo yếu tố phòng dịch.
Trao đổi với phóng viên về thông tin kêu gọi “giải cứu nông sản” của tỉnh như dưa hấu, dứa.., Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang khẳng định, nông sản Bắc Giang chưa cần giải cứu, tuy nhiên, trong lúc tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại địa phương và cả nước, cần sự chung tay hỗ trợ của người dân, giúp người dân Bắc Giang vững vàng trong đại dịch. Tỉnh có tổng số 700 ha dứa, sản lượng 13.000 tấn; dưa hấu có 400 ha, 8.800 tấn... tiêu thụ trong tỉnh dự kiến 2.600 tấn và tỉnh ngoài 6.200 tấn. Đoàn thanh niên từ tỉnh đến huyện đã chung tay bán hàng, bình quân ngày được 10-15 tấn..
Theo THU TRANG (Báo Tin Tức)