Dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ la-tinh khiến nền kinh tế khu vực bị ảnh hưởng nặng nề trong hầu hết các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội. Khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê dù chưa chiếm tới 10% dân số thế giới, nhưng lại có gần 20% tổng số ca lây nhiễm Covid-19 trên toàn cầu.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của toàn khu vực Mỹ la-tinh có thể tăng chậm trở lại trong năm 2021 lên mức 3,7%, sau khi chạm mức tăng trưởng âm 6,9% trong năm 2020. Các quốc gia Mỹ la-tinh đang cố gắng kiểm soát đại dịch thông qua việc triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 đại trà, cam kết tạo điều kiện cho các khoản đầu tư mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Đường phố tại Ri-ô Đề Gia-nê-rô, Bra-xin vắng bóng khách du lịch bởi dịch Covid-19.
Ngoài ra, chính phủ nhiều nước sẽ gặp khó khăn về ngân sách do ảnh hưởng từ sụt giảm nguồn vốn vay nước ngoài. Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định, sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng, là cách thức để các quốc gia trong khu vực duy trì tỷ lệ đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là trong các lĩnh vực đường sắt, cảng biển, kỹ thuật số, năng lượng. Các tổ chức đa phương trong khu vực như Ngân hàng Phát triển Mỹ la-tinh (CAF) hay Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng thúc đẩy các dự án phục hồi kinh tế.
Theo khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê thuộc Liên hợp quốc (CEPAL), năm 2021, để giảm tác động từ sự sụt giảm nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các quốc gia trong khu vực nên tập trung vào các lĩnh vực giúp thúc đẩy thay đổi công nghệ, như năng lượng tái tạo, công nghệ kỹ thuật số hay du lịch bền vững.
Du lịch, ngành công nghiệp từng chiếm 10% thu nhập ngoại hối và 11% tổng số việc làm tại Mỹ la-tinh trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) G. Ghê-va-ra, trong năm 2020, đại dịch đã gây thiệt hại gần 230 tỷ USD và khiến 12,4 triệu người mất việc làm. Dù chính phủ các nước trong khu vực đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, tuy nhiên CEPAL cũng kêu gọi các quốc gia cần tiếp tục tăng cường hợp tác tiểu vùng, trao đổi thông tin y tế và ban hành các chính sách khôi phục việc đi lại của khách du lịch.
Một vấn đề khác chi phối chuỗi cung ứng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại là việc đóng cửa biên giới. Theo báo cáo từ CEPAL, ước tính nhập khẩu trong khu vực suy giảm 20% và xuất khẩu giảm 13% trong năm 2020. Thương mại nội khối chỉ chiếm 15% kim ngạch nhập khẩu, kém xa các khu vực khác trên thế giới.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chuyển hướng dòng chảy thương mại sang các nước trong khu vực đòi hỏi phải cải thiện cơ sở hạ tầng và hậu cần, đồng thời tạo ra các chuỗi giá trị khu vực và khả năng điều phối mạng lưới sản xuất giữa các quốc gia. Lợi thế đầy tiềm năng khi sở hữu thị trường với hơn 657 triệu dân càng khẳng định vai trò quan trọng của việc thúc đẩy thương mại giữa các nước trong khu vực sẽ giúp hạn chế đáng kể những tác động của cuộc khủng hoảng từ bên ngoài.
Theo HUY VŨ (Báo Nhân Dân)