Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trao thưởng cho các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu xuất sắc năm 2019
Linh hoạt ứng phó
Đại dịch COVID-19 được xem là thử thách lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong suốt nhiều thập kỷ qua. Trong nước, đã có không ít DN lâm vào khó khăn, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí phải đóng cửa, phá sản DN. Tuy nhiên, cũng có những DN nhờ linh hoạt ứng phó tốt, chẳng những trụ vững trong thời gian dịch bệnh mà còn có kết quả kinh doanh nhỉnh hơn cùng kỳ năm 2019. Điển hình trong số đó là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel).
Giám đốc Viettel chi nhánh An Giang Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, trong những thời điểm dịch bệnh bùng phát, người dân thực hiện khuyến cáo giãn cách xã hội, không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết, doanh thu lĩnh vực viễn thông truyền thống bị sụt giảm đáng kể. “Khi người dân ở tại nhà, họ thường sử dụng những ứng dụng tin nhắn, cuộc gọi miễn phí như: Zalo, Messenger thông qua wifi nên giảm phát sinh những cuộc gọi thông thường, ít có nhu cầu nạp tiền vào điện thoại hơn. Trong khi đó, cước truyền hình, Internet khách hàng đã đăng ký thuê bao trọn gói nên cũng chẳng tăng thu bao nhiêu” - anh Hùng chia sẻ.
Vì những lý do trên mà trong quý I và quý II-2020, doanh thu của Viettel chi nhánh An Giang sụt giảm so cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, sang quý III, Viettel đã hồi phục mạnh mẽ hoạt động kinh doanh, cân bằng lại mức doanh thu năm 2019. “Khả năng năm 2020, Viettel chi nhánh An Giang sẽ đạt doanh thu và mức đóng góp thuế cho tỉnh từ bằng đến cao hơn năm 2019” - anh Hùng nhấn mạnh.
Sở dĩ Viettel có sự tăng trưởng kinh doanh ngoạn mục khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng chung đến cộng đồng DN là do đơn vị đã linh hoạt triển khai giải pháp thương mại điện tử cho DN và người sản xuất thông qua phát triển ứng dụng VOSO. “Khi người dân ở nhà thì nhu cầu mua sắm online càng tăng. Đó là cơ hội cho hình thức thương mại điện tử phát triển. Với ứng dụng VOSO của Viettel, ai cũng có thể trở thành người bán hàng và khách hàng của nhau. Chỉ cần ngồi tại nhà đặt hàng trên ứng dụng VOSO, người dùng có thể thưởng thức đặc sản khắp vùng, miền Tổ quốc, ví dụ như cá kho làng Vũ Đại. Bạn có dư ít đặc sản, cũng có thể rao bán. VOSO làm nhiệm vụ kết nối người mua - người bán, chỉ thu phí vận chuyển chứ không thu phí bán hàng. Nhờ tận dụng lợi thế hàng chục ngàn đại lý bao phủ khắp cả nước, hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng đến khách hàng, kể cả ở tuyến xã, vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Do vậy, ứng dụng VOSO có lượt tải và sử dụng rất nhanh với số lượng người dùng lớn, giúp lĩnh vực bưu chính Viettel tăng thu đáng kể, bù đắp sụt giảm của viễn thông truyền thống” - anh Hùng đánh giá.
Khởi động lại “Cà phê doanh nhân”
Đối với cộng đồng DN An Giang, việc kết nối và chia sẻ đã trở thành thế mạnh giúp DN phát triển. Do vậy, sau hơn nửa năm phải tạm nghỉ do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, mô hình “Cà phê doanh nhân” đã tái khởi động trở lại. Vẫn là địa chỉ quen thuộc (nhà hàng Thắng Lợi 1, số 01 Lê Hồng Phong, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), buổi cà phê đầu tiên sau thời gian dài gián đoạn thu hút khá đông doanh nhân tham gia.
Đến dự “Cà phê doanh nhân”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng tiếp tục nhấn mạnh thông điệp đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ thiết thực cho DN. “Thời gian qua, mô hình “Cà phê doanh nhân” đã ít nhiều phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn chưa thật sự thu hút DN tham gia. Thời gian tới, cần tiếp tục duy trì, nâng chất, vận hành “Cà phê doanh nhân” đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu DN. Trong đó, cần nghiên cứu xây dựng các chuyên đề thiết thực, mang lại lợi ích cho DN để thuyết phục những DN còn chần chừ, băn khoăn mạnh dạn tham gia. Các cơ quan báo chí cần đồng hành với “Cà phê Doanh nhân”, chung tay hành động để thúc đẩy mô hình ngày càng phát triển, đổi mới” - ông Nưng nhấn mạnh.
Sau thời gian tạm “vắng bóng” do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, mô hình “Cà phê doanh nhân” như thỏa niềm “mong nhớ” của cộng đồng DN. Nhiều ý kiến thẳng thắn, chân thành đã được các doanh nhân đóng góp nhằm xây dựng mô hình ngày càng thiết thực, hiệu quả. Trong đó, tập trung xây dựng khung chuyên đề cả năm cho “Cà phê doanh nhân”. Từ đó, gợi ý chuyên đề từng buổi “Cà phê doanh nhân” theo lĩnh vực kinh doanh (xây dựng, du lịch, bất động sản, thương mại điện tử, phân phối…), theo những chủ đề mà DN quan tâm (thuế, quỹ đất, thủ tục hành chính, những chủ trương, chính sách mới…). Các DN cho rằng, khi lãnh đạo các sở, ngành đồng ý tham dự “Cà phê doanh nhân” theo chuyên đề thì cần dành thời gian xuyên suốt buổi cà phê để lắng nghe, trao đổi, chia sẻ với DN.
“Buổi “Cà phê doanh nhân” bắt đầu lúc 6 giờ 30 phút sáng thứ 6; thời gian trao đổi, chia sẻ đến khoảng 8 giờ là kết thúc. Có một số lãnh đạo sở, ngành khi đến dự chỉ phát biểu vài ý rồi đi, phần trao đổi của doanh nhân không được lắng nghe trực tiếp. Như vậy rất khó tạo hứng khởi cho DN chia sẻ cũng như giải quyết vấn đề của DN” - một doanh nhân nêu ý kiến.
Họp mặt doanh nhân dịp 13-10
Dự kiến chiều 13-10, tại Nhà khách Văn phòng UBND tỉnh, UBND tỉnh sẽ tổ chức họp mặt kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10-2004 – 13-10-2020) kết hợp tổng kết hoạt động Ban Hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020. Buổi họp mặt là diễn đàn để lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành trao đổi, chia sẻ với cộng đồng DN An Giang.
|
NGÔ CHUẨN