Tấm biển ghi "Khu cách ly Nipah, cấm vào" tại một bệnh viện ở Kozhikode, bang Kerala, Ấn Độ, hôm 12/9. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters (Anh), quan chức y tế tiểu bang cho biết bang Kerala đang ghi nhận hai ca nhiễm virus Nipah đang được điều trị tỏng bệnh viện - gồm 1 người lớn và 1 trẻ em. Giới chức cũng đã xét nghiệm virus cho trên 130 người.
Bộ trưởng Y tế bang Veena George tuyên bố: “Chúng tôi đang tập trung vào việc truy vết những người tiếp xúc với các ca nhiễm và cách ly bất kỳ ai có triệu chứng. Hoạt động di chuyển công cộng ở nhiều khu vực trong bang đã bị hạn chế nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế”.
Kể từ ngày 30/8 đến nay, đã có 2 người tử vong do nhiễm virus Nipah trong đợt bùng phát thứ 4 của bang kể từ năm 2018, buộc chính quyền phải ban bố vùng dịch tại ít nhất 7 làng ở quận Kozhikode. Giới chức cũng đã ban hành các quy định cách ly nghiêm ngặt, nhân viên y tế cũng bị cách ly sau khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.
Giới chức cho biết ca tử vong đầu tiên là một chủ đất nhỏ ở làng Marutonkara. Con gái và anh rể của nạn nhân, đều đã nhiễm virus và đang nằm trong khu cách ly. Các thành viên khác trong gia đình và hàng xóm của người nhiễm virus đều đang được xét nghiệm.
Ca tử vong thứ 2 từng tiếp xúc với nạn nhân đầu tiên trong bệnh viện, theo cuộc điều tra ban đầu của các bác sĩ.
Giới chức cho biết các chuyên gia từ Viện Virus học Quốc gia sẽ đến khu vực này để thực hiện thêm các xét nghiệm.
Virus Nipah lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của dơi, lợn hoặc người mắc bệnh. Virus này lần đầu được xác định vào năm 1999 trong một đợt bùng phát bệnh ở những người chăn nuôi lợn và những người tiếp xúc gần gũi với động vật ở Malaysia và Singapore.
Trong đợt bùng phát virus Nipah đầu tiên ở Kerala, 21 trong số 23 người nhiễm đã tử vong. Đợt bùng phát năm 2019 và 2021 đã cướp đi sinh mạng của 2 người khác.
Cuộc điều tra của Reuters hồi tháng 5 đã xác định bang Kerala là một trong những nơi có nguy cơ bùng phát virus dơi cao nhất trên toàn cầu. Theo các chuyên gia, nạn phá rừng và đô thị hóa trên diện rộng đã khiến con người và động vật hoang dã tiếp xúc gần, làm tăng nguy cơ nhiễm virus.
Theo Báo Tin Tức