Bangladesh: Khoảng trống bất ổn sau khi Thủ tướng Hasina từ chức

06/08/2024 - 20:22

Các chuyên gia cho rằng nguồn cơn sâu xa của tình trạng bất ổn hiện nay ở Bangladesh là do các vấn đề kinh tế và sự trì trệ trong tăng trưởng việc làm ở khu vực tư nhân của quốc gia Nam Á này.

Công trình bị thiêu rụi trong cuộc biểu tình phản đối chế độ hạn ngạch việc làm nhà nước, tại Dhaka, Bangladesh, ngày 18/7/2024. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

 

Việc Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina buộc phải tuyên bố từ chức và rời khỏi đất nước ngày 5/8 đã khép lại 15 năm cầm quyền liên tục của một trong những nữ lãnh đạo có thời gian tại vị lâu nhất thế giới.

Tuy nhiên, tình hình bất ổn ở quốc gia Nam Á có lẽ chưa thể chấm dứt khi mà những căn nguyên dẫn tới căng thẳng xã hội chưa được giải quyết triệt để.

Thủ tướng Sheikh Hasina quyết định từ chức sau khi các cuộc biểu tình đường phố đòi cải cách hệ thống hạn ngạch việc làm trong cơ quan công quyền biến thành bạo loạn khiến hơn 300 người thiệt mạng.

Người biểu tình quá khích đã đốt phá nhiều trụ sở cơ quan, văn phòng đảng cầm quyền, đài truyền hình quốc gia...

Biểu tình bạo lực kéo dài từ tháng Bảy tới nay ở Bangladesh cũng khiến chính quyền phải ban bố lệnh giới nghiêm, áp đặt thiết quân luật, đóng cửa trường học trên cả nước..., gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina trong một cuộc họp báo ở Dhaka. (Ảnh: ANI/TTXVN)

Mặc dù Tòa án Tối cao đã có những điều chỉnh hệ thống hạn ngạch việc làm, song các hành vi bạo lực vẫn tiếp diễn. Bạo lực lên tới đỉnh điểm khi những đối tượng biểu tình quá khích tấn công lực lượng cảnh sát ngày 4/8, khiến gần 100 người thiệt mạng, được cho là "giọt nước tràn ly."

Các chuyên gia cho rằng nguồn cơn sâu xa của tình trạng bất ổn hiện nay ở Bangladesh là do các vấn đề kinh tế và sự trì trệ trong tăng trưởng việc làm ở khu vực tư nhân.

Trong thời kỳ đầu bà Hasina lên nắm quyền, nhà lãnh đạo này đã góp phần hồi sinh nền kinh tế đất nước, đưa Bangladesh từ một quốc gia nghèo nàn trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và cải thiện đáng kể mức sống của người dân.

Từ năm 2008, Bangladesh đã đạt mức tăng trưởng trung bình hơn 6% một năm. Tình trạng đói nghèo ở nước này cũng giảm mạnh và hơn 95% trong tổng số 170 triệu dân hiện có điện sinh hoạt.

Tuổi thọ của người dân Bangladesh tăng hơn 50%. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 90%.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Bangladesh vượt Ấn Độ, đạt mức 2.457,92 USD.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán GDP của Bangladesh sẽ sớm vượt Đan Mạch hoặc Singapore.

Tuy nhiên, kinh tế Bangladesh sa sút trầm trọng do đại dịch COVID-19. Ngành dệt may, vốn là động lực của nền kinh tế Bangladesh và chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 55 tỷ USD của nước này mỗi năm, đã bị tàn phá nặng nề.

Các nhà máy may mặc đóng cửa, ít nhất 1/4 lực lượng lao động, tức khoảng 1 triệu người, đã mất việc làm.

Sau đại dịch, dù nhu cầu ở phương Tây tăng trở lại, song trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát toàn cầu, đơn đặt hàng dệt may đã giảm hơn 30%.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine, tiếp sau đó là khủng hoảng an ninh Biển Đỏ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá nhiên liệu tăng cao và Bangladesh là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Hơn 65% hàng may mặc trị giá hàng tỷ USD của quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) được cung cấp sang châu Âu và Mỹ thông qua tuyến đường Biển Đỏ-Suez.

Bên cạnh đó, Chính phủ Bangladesh dựa vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu để vận hành lưới điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Khi sức khỏe của nền kinh tế Bangladesh chủ yếu dựa vào các yếu tố như xuất khẩu và giá nhiên liệu, những biến động trên thế giới càng chất thêm khó khăn cho quốc gia này.

Thời gian gần đây, Bangladesh phải đối mặt với lạm phát cao gần hai chữ số, tỷ giá hối đoái không ổn định cùng dự trữ ngoại tệ cạn kiệt.

Từ đầu năm 2022, đồng taka của nước này mất hơn 40% giá trị so với USD. Lượng dự trữ ngoại tệ giảm hơn một nửa. Giá nhiên liệu gia tăng đẩy chi phí thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác tăng cao.

Năm ngoái, Chính phủ của bà Hasina phải nhờ đến khoản vay 4,7 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giảm bớt khó khăn.

Tuy nhiên, lạm phát tăng vọt khiến đời sống người dân trở nên bấp bênh, nhiều người rơi vào cảnh đói nghèo, dẫn tới các cuộc biểu tình liên tục diễn ra, như làn sóng biểu tình của công nhân ngành dệt may đòi tăng lương hồi tháng 10 năm ngoái.

Biểu tình phản đối Chính phủ tại thủ đô Dhaka, Bangladesh ngày 4/8/2024. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều nhà máy đóng cửa cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Ước tính gần 32 triệu thanh niên không có việc làm hoặc không được học hành ở đất nước có dân số 170 triệu người này.

Bất chấp những nỗ lực của bà Hasima sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử tháng Một năm nay, tình hình chưa được cải thiện nhiều.

Sau khi bà Hasima từ chức, quân đội nước này đã nắm quyền và thành lập chính phủ lâm thời. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các vấn đề đói nghèo, thất nghiệp và bất bình đẳng vẫn tồn tại đang tạo ra khoảng trống bất ổn tại Bangladesh.

Ông Saad Hammadi, chuyên gia nghiên cứu tại Trường Quan hệ quốc tế Balsillie (Canada), cho rằng “với trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu đang cực kỳ hỗn loạn, nhiệm vụ của chính phủ lâm thời và các chính phủ tiếp theo sẽ vô cùng khó khăn trong việc ngăn chặn nền kinh tế 'rơi tự do' và khôi phục đất nước. Cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng bất ổn này là đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định và sớm chuyển đổi sang một chính phủ được bầu cử dân chủ, minh bạch và có trách nhiệm.”

Trong khi đó, chuyên gia Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson, có trụ sở tại Washington (Mỹ), đánh giá "nếu đây là một quá trình chuyển đổi hòa bình với việc một chính quyền lâm thời tiếp quản cho tới khi tổ chức được một cuộc bầu cử thì sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro. Ngược lại, nếu đó là quá trình chuyển đổi bạo lực thì có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn ở cả trong và ngoài nước.”

Những gì đã diễn ra tại Bangladesh cũng cho thấy một đất nước có thể dễ bị tổn thương về kinh tế-xã hội như thế nào trước những cú sốc từ bên ngoài, như đại dịch hay các cuộc xung đột. Đó là lý do khiến các nước cần xây dựng khả năng chống chọi với các biến động từ bên ngoài./.

Theo TTXVN/Vietnam+