Bánh canh tép, hương vị đồng quê

27/09/2024 - 07:40

 - Dưới chân núi Sập (huyện Thoại Sơn) có quán bánh canh tép ngon, rẻ. Những ngày cuối tuần, nơi đây phục vụ khoảng 1.000 tô bánh canh, lữ khách phương xa thưởng thức gật gù ngợi khen.

Từ món ăn thời mở đất

 Hơn 20 năm gắn bó với nghề nấu bánh canh, chị Lê Thị Trinh (51 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập) đúc kết được kinh nghiệm chế biến món ẩm thực làm say lòng lữ khách. Múc tô bánh canh nóng hổi cho khách, chị Trinh cho hay, ngày trước, quán chỉ nấu 1 nồi bánh canh phục vụ  bà con ở xóm. Dần dà, khách du lịch đến tham quan du lịch ghé dùng càng đông. Hàng ngày, chị Trinh tăng thêm từ 5 - 10 nồi nước súp mới đủ phục vụ.

Từ món ăn dân dã thời khẩn hoang, nhiều bà nội trợ đã “biến tấu” bánh canh thành món đặc sản mang hương vị đồng đất nức tiếng gần xa. Chúng tôi may mắn được “ngao du” đây đó, trải nghiệm, thưởng thức nhiều hương vị bánh canh mang đậm cốt cách hào sảng người miền Tây sông nước. Ví dụ, mỗi khi về TX. Tịnh Biên thì ăn bánh canh bột xắt Nhà Bàng hoặc thưởng thức tô canh Vĩnh Trung. Ghé huyện Tri Tôn có bánh canh Lò Rèn thơm ngon nổi tiếng.

Mỗi nơi đều chế biến phá cách riêng, nhưng nguyên bản vẫn giữ được hương vị đồng đất thuở nào. Theo những cao niên kể lại, ngày trước, vùng đất châu thổ Cửu Long hoang vu, cá, tép nhiều. Mỗi khi làm đồng, nông dân tiện tay mò bắt vài con cá lóc hay kéo mớ tép đồng mang về cho các bà chế biến món bánh canh bột gạo để gia đình xúm xít thưởng thức. Về sau, nhiều người lấy ý tưởng món bánh canh truyền thống, chế biến thành hương vị đặc sản phục vụ thực khách và món bánh canh chân quê lại làm say lòng biết bao du khách đặt chân đến mảnh đất An Giang hữu tình.

Trở thành đặc sản

Nồi bánh canh tép của chị Trinh chế biến thêm nhiều hương vị kèm theo, như: Da heo, huyết, tép... Tuy những món làm nên thương hiệu bánh canh không cầu kỳ, nhưng để níu chân thực khách đến đông đúc là cả nghệ thuật nấu nướng của người bán. Đứng cạnh nồi nước súp to, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy chị Trinh dùng chiếc vá múc tép, khô mực, xương ống, nấm rơm đặc quánh trong nồi. Chị Trinh xởi lởi: “Nấu được nồi nước súp vừa miệng thực khách không phải chuyện dễ. Tôi phải chọn nguyên liệu chất lượng nên nồi súp mới đạt chuẩn ngon, ngọt tự nhiên”. 

 Nhớ về hơn 20 năm trước, chị Trinh tâm sự: “Lúc trước, tôi bán bánh canh tép 1.500 đồng/tô, người dân trong xóm đến ăn nườm nượp. Buổi trưa, bán vài giờ đồng hồ là hết nồi bánh canh”. Muốn nấu được nồi nước súp giữ được nước trong, thơm ngon, chị Trinh có bí quyết riêng trong chế biến. “Quan trọng nhất là khâu sơ chế nguyên liệu nấu. Tất cả xương, da heo phải làm thật sạch, rửa bằng nước cốt chanh. Sau đó, trần nước sôi, đưa lên bếp vặn lửa liu riu nấu súp. Vì vậy, nồi nước súp trong veo, không bị hôi. Riêng, món tép phải chọn con tươi sống rửa sạch, ram lên cho giòn, thơm thì thưởng thức mới hấp dẫn…” - chị Trinh bật mí.

Đối với cọng bánh canh, chị Trinh dặn các cơ sở sản xuất sử dụng gạo ngon. Sau khi đem về, chị nấu qua nước sôi loại bỏ vị chua của men. “Nhiều người nói tôi trụng bánh canh trực tiếp vào nồi súp sẽ làm giảm độ ngon khi dùng. Nhưng họ không biết trước đó, tôi đã trần bánh canh qua nước sôi” - chị Trinh thật tình. Địa chỉ bán bánh canh của chị Trinh nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi (đối diện nhà thờ Tin Lành). Vào những ngày cuối tuần, chị bán trên 1.000 tô bánh canh cho thực khách trong và ngoài tỉnh. Để phục vụ kịp thời, chị Trinh huy động 4 - 5 thành viên trong gia đình chạy bàn.

“Chủ yếu lấy công làm lời. Mỗi tô bánh canh tép có giá 15.000 đồng, nếu thực khách dùng hột vịt lộn thì thêm 7.000 đồng/trứng. Hàng ngày, quán bánh canh tép của tôi phục vụ đủ thành phần, từ du khách trong, ngoài tỉnh đến người dân địa phương” - chị Trinh cười bẽn lẽn. Nhờ tay nghề nấu bánh canh tép khéo léo, quán của chị Trinh luôn đông khách, thời gian phục vụ từ 12 - 19 giờ mỗi ngày. Giờ đây, món bánh canh tép được xem như món ẩm thực “níu chân” du khách khi đến huyện Thoại Sơn.

 LƯU MỸ