Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn đòi hỏi nỗ lực không chỉ của ngành giáo dục mà cần sự chung tay của gia đình và xã hội. Trước hết, cần bảo đảm cơ sở vật chất nhà trường, tránh những tai nạn thương tích đáng tiếc do cây đổ, điện giật, sập tường... Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các nhà trường kiên quyết không đưa vào sử dụng những công trình đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Nhưng hiện nay, cả nước vẫn có hơn 25% phòng học tạm bợ được tận dụng để làm nơi giảng dạy, vì thế còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Cổng Trường Tiểu học Lê Hữu Trác - nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: laodong.vn
Trên thực tế, nhiều thầy cô giáo chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chính là truyền dạy kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy, chứ chưa quan tâm đến vấn đề an toàn trường học. Từ những xích mích nhỏ trong học sinh, nếu giáo viên không nắm bắt sự việc, sớm khuyên giải, sớm muộn cũng sẽ xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Hay với bữa ăn học đường, nếu lãnh đạo nhà trường buông lỏng kiểm soát chất lượng thực phẩm, nguy cơ ngộ độc tập thể là rất lớn. Vì vậy, đề cao trách nhiệm, sâu sát kiểm tra được xem là “chìa khóa” để bảo đảm môi trường giáo dục an toàn. Từng trường học cần phân công cụ thể cán bộ, nhân viên phụ trách kiểm tra cơ sở vật chất, tham gia bộ phận tư vấn tâm lý... để đánh giá thực trạng, phát hiện nguy cơ gây mất an toàn, từ đó kịp thời tham mưu với lãnh đạo nhà trường giải quyết hiệu quả. Cần có thang giá trị cụ thể để đánh giá về tình trạng bảo đảm môi trường giáo dục an toàn theo kế hoạch hằng tháng, không nên thực hiện mỗi năm học đánh giá một lần để báo cáo. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá cần sâu sát, chú ý đến những chi tiết nhỏ, không nên chỉ kiểm tra chung chung.
Các em học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn, ham vui chơi, thể chất, tâm sinh lý chưa ổn định nên khó chủ động phòng tránh các mối hiểm nguy tiềm ẩn. Do đó, các nhà trường và đội ngũ giáo viên cần chủ động thường xuyên nhắc nhở, giáo dục các em sớm nhận biết để tránh xa các mối nguy hiểm, tệ nạn xã hội; dạy bảo các em ứng xử có văn hóa, duy trì nếp sống văn minh thanh lịch thông qua các lớp học kiến thức kỹ năng sống từ sớm, từ xa một cách gần gũi, thiết thực.
Môi trường giáo dục an toàn là môi trường giáo dục mà học sinh được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần. Với ý nghĩa đó, việc xây dựng, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn cần được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu để góp phần bảo vệ quyền sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; đồng thời là cơ sở để xây dựng trường học thân thiện, văn minh.
Theo HÀM ĐAN (Quân đội nhân dân)