Bảo tồn nghệ thuật Dì Kê

22/08/2024 - 06:37

 - Là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, nghệ thuật sân khấu Dì Kê đang được các ngành, địa phương quan tâm khôi phục. Tuy nhiên, với nhiều lý do, loại hình nghệ thuật này vẫn chưa trở lại như kỳ vọng.

Cần hỗ trợ các thành viên nhóm Dì Kê xã Ô Lâm gắn bó với nghệ thuật truyền thống

Di sản văn hóa quốc gia

Cuối năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Tri Tôn tổ chức Lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh “Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì Kê của người Khmer, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào cho người dân huyện Tri Tôn nói riêng và tỉnh An Giang nói chung, khi có thêm loại hình nghệ thuật sân khấu được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Xã Ô Lâm may mắn được lưu giữ loại hình nghệ thuật sân khấu Dì Kê, một biểu tượng văn hóa dân tộc Khmer vùng Bảy Núi - An Giang. Hiện nay, địa phương có 2 nhóm Dì Kê còn hoạt động. Một thời, các nhóm biểu diễn thường xuyên được mời phục vụ cho các sự kiện, lễ hội của đồng bào DTTS hoặc tại các chùa Khmer trên địa bàn huyện, giúp loại hình nghệ thuật này có sức sống bền bỉ với thời gian” - Phó Chủ tịch UBND xã Ô Lâm Chau Phi Rôm cho biết.

Theo ông Chau Phi Rôm, nghệ thuật sân khấu Dì Kê chủ yếu biểu diễn, phục dựng lại những vở tuồng theo các truyện cổ tích, thần thoại mang nội dung giáo dục, định hướng con người rèn luyện đạo đức, lối sống hướng thiện.

Nói chung, đây không chỉ là loại hình nghệ thuật có giá trị văn hóa, mà còn tác động tích cực về mặt tinh thần trong đời sống của đồng bào DTTS Khmer, sau những ngày lao động mệt nhọc. Qua đánh giá của ngành chuyên môn, Dì Kê được xem là loại hình nghệ thuật chứa đựng nhiều giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa truyền thống và mang tính gắn kết cộng đồng sâu sắc.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang, loại hình biểu diễn sân khấu Dì Kê không chỉ hàm chứa giá trị nghệ thuật đặc sắc, mà còn gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của huyện Tri Tôn, tạo nên nét lịch sử văn hóa đặc thù cho vùng đất này.

Sân khấu Dì Kê từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào DTTS Khmer, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa độc đáo của các dân tộc tại An Giang. Với việc được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã đặt ra yêu cầu phải quan tâm bảo tồn, gìn giữ loại hình nghệ thuật này trong thời gian tới.

Khó khăn trong bảo tồn

Dù từng có thời điểm phát triển trong cộng đồng, nhưng nghệ thuật sân khấu Dì Kê cũng đứng trước nguy cơ không có thế hệ kế thừa. Hiện nay, 2 nhóm Dì Kê tại xã Ô Lâm không có điều kiện sinh hoạt thường xuyên, chỉ họp lại khi các chùa, đơn vị, các ngành cấp tỉnh, cấp huyện có nhu cầu xem biểu diễn.

“Do sự phát triển của xã hội và nhu cầu cải thiện mức sống gia đình, các thành viên trong nhóm Dì Kê của xã phải đi làm ăn ở nhiều nơi khác nhau, nên rất khó họp mặt. Dù địa phương đã nỗ lực, nhưng việc duy trì và kêu gọi các thành viên tham gia biểu diễn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, những thanh niên Khmer hiện nay chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì, giữ gìn loại hình nghệ thuật văn hóa đặc sắc này, nên còn thờ ơ trong việc kế thừa, học hỏi nghệ thuật diễn xuất của cha anh” - ông Chau Phi Rôm thật tình.

Thực tế, quá trình tìm hiểu loại hình nghệ thuật sân khấu này của phóng viên tại xã Ô Lâm cũng khó khăn. Dù địa phương đã nhiệt tình hỗ trợ, nhưng việc gặp gỡ các nghệ nhân Dì Kê, những người được xem là “vốn liếng” của loại hình nghệ thuật sân khấu này, cũng không như ý muốn. Hiện tại, chỉ còn gia đình nghệ nhân Néang Ok là còn am hiểu đầy đủ nghệ thuật Dì Kê, nhưng sức khỏe bà không được tốt, không thể trao đổi với phóng viên.

“Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất với các cấp, ngành có hướng hỗ trợ thành viên của nhóm Dì Kê xã Ô Lâm tiếp tục gắn bó với loại hình nghệ thuật của cha ông. Đồng thời, tích cực phối hợp với các ngành mở lớp bồi dưỡng, đào tạo, truyền dạy loại hình nghệ thuật sân khấu Dì Kê, đàn Chà-pây cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS Khmer địa phương” - ông Chau Phi Rôm cho hay.

Ngoài ra, UBND xã Ô Lâm cũng đang hỗ trợ hoạt động sản xuất đường thốt nốt, làm cốm dẹp, làm bánh Kà-tum cho những hộ Khmer tâm huyết, để giữ gìn những đặc sản truyền thống địa phương. Bên cạnh, cũng gắn kết các sản phẩm này vào hoạt động du lịch, các sự kiện, lễ hội văn hóa nhằm tăng nguồn thu cho những cá nhân gắn bó với các loại hình nghệ thuật, đặc sản mang tính văn hóa của cộng đồng Khmer.

“Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì Kê của đồng bào Khmer, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh An Giang có những cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, cũng như xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật Dì Kê giai đoạn 2024 - 2030, giúp cho di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này tồn tại bền bỉ với thời gian” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang thông tin.

THANH TIẾN