Công tác bảo tồn DSVH, quản lý và tổ chức lễ hội, bảo vệ DS, trùng tu tôn tạo di tích của tỉnh được chú trọng và triển khai tích cực. Theo đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giữ gìn, bảo tồn các giá trị di tích lịch sử (DTLS) - VH bằng các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp.
Trong đó, chú ý tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và hành động của mỗi người về giữ gìn, bảo vệ các giá trị DTLS-VH, lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; giáo dục kỹ năng sống, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật và xây dựng môi trường sống lành mạnh; giữ vững và tiếp tục phát huy truyền thống VH, đạo lý tốt đẹp của dân tộc tại địa phương. Nhờ đó, ý thức bảo vệ DSVH trong quần chúng Nhân dân được nâng lên.
Năm 2017, đã có 14 DT cấp tỉnh được trùng tu, với tổng kinh phí từ nguồn vận động xã hội hóa trên 2,4 tỷ đồng. Đồng thời, đã hoàn thành hồ sơ khoa học và được UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với 3 DT: chùa Long Hòa (Chợ Mới), DT khảo cổ Đá Nổi và Gò cây Tung (Tịnh Biên), chùa Vĩnh Hòa (Thoại Sơn). Đồng thời, cấp phép trùng tu đối với 19 DT, xem xét công tác tu bổ, làm mới một số hạng mục tại 45 DT trên địa bàn tỉnh.
Các lễ hội VH được bảo tồn và từng bước nâng chất theo hướng gạt bỏ những nghi lễ, nghi thức không còn phù hợp với đời sống hiện đại và đưa vào những nội dung mới, thiết thực làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân. Một số lễ hội lớn của tỉnh, như: lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội VH truyền thống huyện Châu Phú, lễ hội khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo... được tổ chức chu đáo, quy mô, trang trọng và đảm bảo an ninh trật tự.
Ngoài ra, Sở VH-TT&DL phối hợp Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và các địa phương tổ chức thành công 3 hội thảo khoa học: “Tấm gương chiến đấu và hy sinh của Anh hùng liệt sỹ Huỳnh Thị Hưởng trong kháng chiến chống Mỹ”, “Lịch sử 260 năm từ Châu Đốc đạo đến thành phố Châu Đốc” và “Tổng đốc Trương Minh Giảng với An Giang”.
Bảo tàng tỉnh và Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng phục vụ tốt nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước. Bảo tàng tỉnh đón tiếp 20.220 lượt khách tham quan; Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đón tiếp 45.736 lượt khách (trong đó, có 420 đoàn, với 10.850 lượt khách, 33.730 lượt khách vãng lai, 1.174 lượt khách quốc tế).
Theo Sở VH-TT&DL, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các loại hình DSVH vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Duy trì và phục hồi trong cộng đồng một số loại hình nghệ thuật VH truyền thống của các dân tộc.
Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện tốt các đề án đã được phê duyệt về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của tỉnh, truyền dạy nghệ thuật Dì Kê. Xây dựng các dự án, đề án bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH phi vật thể đã được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, như: lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, hội đua bò Bảy Núi. Thực hiện công tác kiểm kê và lập danh mục DSVH phi vật thể trên các địa bàn huyện nhằm tạo cơ sở dữ liệu thực hiện tốt công tác quản lý.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy DSVH. Tăng cường công tác xã hội hóa trong lĩnh vực DSVH. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị VH gắn với phát triển DL. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá DSVH Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng.
Ảnh: T.T - T.H
MINH THƯ