Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

22/02/2020 - 19:10

Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hoá đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên.

Trình diễn di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sau 15 năm, kể từ khi được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 25-11-2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung đang được bảo tồn và phát huy theo các góc độ khác nhau ở từng địa phương.

Cồng chiêng - Tâm hồn tình cảm của người Tây Nguyên

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao trùm 5 tỉnh Tây Nguyên, tập hợp của 17 dân tộc thiểu số. Cồng chiêng ở đây được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu giữa con người, thần thánh và thế giới siêu nhiên; những chiếc cồng chiêng của mỗi gia đình biểu hiện cho tài sản, quyền lực và sự an toàn.

Cồng chiêng là một loại hình di sản văn hóa tồn tại từ nền văn hóa Đông Sơn, cách đây ít nhất 3.500-4.000 năm, mà trống đồng và cồng chiêng là hai nhạc cụ điển hình.

Văn hóa cồng chiêng là loại hình nghệ thuật gắn với lịch sử văn hóa của các dân tộc thiểu số sống ở Trường Sơn-Tây Nguyên. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên sử dụng cồng chiêng theo cách thức riêng để chơi những bản nhạc của riêng dân tộc mình.

Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hoá đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên. Cồng chiêng Tây nguyên đặc biệt hay, không chỉ ở sự đa dạng độc đáo về các bè trầm bổng, mà cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây Nguyên. Nghe cồng chiêng thì thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội... của người Tây Nguyên.

Cồng, chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 50-60cm, loại cực đại tới 90-120cm.

Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18-20 chiếc. Trong một bộ chiêng có chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất.

Ở người Mường và nhiều dân tộc dọc Trường Sơn-Tây Nguyên, các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hoà tấu nhạc đa âm. Các dàn cồng chiêng của họ thường gồm nhiều bộ. Mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hoà tấu.

Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi, đấm bằng tay. Có bộ tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng...

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thụy Loan nhận định giá trị văn hóa của cồng chiêng ở Việt Nam có vị thế đặc biệt nổi bật trong hệ nhạc khí cổ truyền ở Việt Nam bởi nó bắt nguồn từ sự tổng hoà các giá trị văn hóa đa dạng, được chỉ mặt gọi tên bằng 10 giá trị như sau: Giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; Giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người, thậm chí cả đặc trưng văn hóa của những nhóm địa phương trong cùng một tộc người; Giá trị phản ánh đa chiều; Giá trị nghệ thuật; Giá trị sử dụng đa dạng; Giá trị vật chất; Giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; Giá trị tinh thần; Giá trị cố kết cộng đồng; Giá trị lịch sử.

Nghệ thuật cồng chiêng của Việt Nam đã phát triển đến một trình độ cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Mỗi bài chiêng đều có rất nhiều bè, trong đó mỗi cá nhân sẽ dùng một cái chiêng, bài chiêng có bao nhiêu chiêng thì có bấy nhiêu người đánh.

Các nghệ sỹ cồng chiêng nhớ rõ các tiết tấu trong đầu và kết hợp với nhau rất hài hòa. Mặt khác, Việt Nam không chỉ dùng riêng một loại chiêng có núm hoặc chiêng bằng, mà thường dùng chiêng núm làm bè trầm, chiêng bằng đánh giai điệu.

Cồng chiêng cũng là một nhạc cụ rất phổ biến trong nền âm nhạc của các tộc người Việt Nam. Nhưng với người Tây Nguyên, cồng chiêng là đại diện. Tây Nguyên là cái nôi của loại hình nghệ thuật này. Giá trị của cồng chiêng không phải nhạc cụ nào cũng có.

Khi biểu diễn vòng tròn, các nghệ nhân đánh và di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái, là ngược chiều với thời gian, có ý nghĩa ngược về nguồn cội. Cồng chiêng là văn hóa của người dân tộc vùng Tây nguyên với những đặc thù còn giữ nguyên gốc như thế. Còn về kỹ thuật, chính cách phối hợp âm thanh của dàn cồng chiêng giữa các chiếc cồng “cha mẹ”-cồng “con”-cồng “cháu” để làm thành thang âm điệu thức là rất đặc biệt. Cồng chiêng Tây nguyên có dính dáng đến dân tộc học sâu sắc.

Chất lửa thiêng của cồng chiêng

Hầu hết các buôn làng Tây Nguyên hiện nay đều có những đội cồng chiêng phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng, trong dịp hội hè.

Vào ngày lễ tết, hình ảnh quen thuộc "bên ngọn lửa thiêng, những vòng người say sưa múa hát trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng" lại xuất hiện trên khắp các buôn làng. ở Trường Sơn-Tây Nguyên âm thanh của cồng chiêng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của làng buôn. Đó là một bộ phận không thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam từ thuở xa xưa cho tới nay.

Bài cồng chiêng mừng lúa mới dân tộc Jơ Rai. (Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN)

Ngoài sự phát triển đến một trình độ cao như thế, người Tây Nguyên còn có nhiều phong cách chơi cồng chiêng rất phong phú và bài bản. Phương pháp chủ điệu là một bài trầm đánh trên một vài giai điệu được tìm thấy ở người Bana và Gia Rai.

Phương pháp đánh từng chùm gặp ở người Ê đê. Phương pháp đối thoại gặp ở người Mnông. Đó là còn chưa kể tới phong cách sử dụng chiêng của những tộc người khác nhau như người Chăm, Chu ru, hay người Raglai, họ thường chỉ có 5; 6 chiêng, số lượng ít hơn so với người Gia Lai, Êđê, Mnông...

Cồng chiêng cũng là biểu tượng của tiềm lực kinh tế của đồng bào Tây Nguyên xưa. Đã có thời, có những chiếc chiêng trị giá 2 con voi hoặc hàng chục con trâu. Nhà nào nhiều chiêng, có chiêng quý là nhà có quyền lực, giàu có trong buôn làng.

Điều đó cũng nói lên rằng, cồng chiêng "bám" rất chắc vào cuộc sống của các tộc người ở Tây Nguyên.

Cồng chiêng cũng thường được người Tây Nguyên sử dụng trong nhiều nghi lễ rất quan trọng. Người Gia Lai, khi đứa trẻ được sinh ra, trong lễ “thổi tai”, tiếng chiêng sẽ đem đến cho đứa trẻ những tín hiệu đầu tiên của văn hoá dân tộc mình.

Chiêng còn sử dụng cho các nghi lễ cúng tế, tang ma, cưới xin, mừng năm mới, mừng nhà mới, mừng lúa mới và các nghi lễ nông nghiệp, mừng chiến thắng, đưa và đón các chiến binh, cầu sức khoẻ và may mắn...

Đời người dài theo tiếng chiêng. Chiêng đem cái thiêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một tâm trạng an toàn, một không gian huyền ảo. Không chỉ có thế, tiếng cồng, tiếng chiêng còn đem đến cho đời sống của người Tây Nguyên cánh bay của sự lãng mạn, đó cũng là nguồn gốc của những áng thơ ca, sử thi bay bướm.

Cồng chiêng vì thế, không chỉ đại diện cho văn hóa Tây Nguyên, mà còn là một sứ giả của nền văn hóa Việt Nam, xứng đáng là một kiệt tác văn hóa.

Trong lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên, khi người chủ trì ngày hội đâm trâu tại nhà rông là già làng đứng gần cột buộc trâu thì thanh niên nam nữ đánh chiêng, cồng, múa đứng sau lưng già làng.

Khi già làng khấn xong, tiếng chiêng, cồng lại nổi lên hòa với tiếng hú của dân làng. Cảnh buôn làng trở nên rộn ràng, sinh động. Những ngày ở lễ hội đâm trâu, là những ngày hội của nghệ thuật cồng chiêng, vì nhiều nhà đem bộ cồng chiêng của mình tới tham dự.

Hiện nay, có nhiều quan niệm cho rằng cồng chiêng là nhạc cụ để vui chơi, nhưng trong suy nghĩ của người Tây Nguyên, chiêng là tiếng nói của thần linh. Người Tây Nguyên thường dùng chiêng trong lễ hội, họ quan niệm chiêng là tiếng nói của con người với thần linh.

Trong các sử thi Tây Nguyên như: Đam San, Xinh Nhã... miêu tả con người có thể ngồi lên chiêng để bay, khi ngửa chiêng ra thì có cây thuốc lá mọc ở trên đó... Có rất nhiều giai thoại thần kỳ gắn với tính chất thiêng liêng trong các bộ cồng chiêng.

Ngoài ra, trong mỗi cái chiêng, đồng bào lại tin rằng có một vị thần trú ngụ. Ai có nhiều chiêng không chỉ là người giàu của cải mà còn là người có sức mạnh và được thần linh phù hộ. Người Tây Nguyên cũng tin rằng, chiêng càng cổ thì vị thần trú ngụ trong đó càng có sức mạnh. Điều đó chứng tỏ giá trị của cồng chiêng không chỉ nằm ở kỹ thuật chế tác mà chính là ở ý nghĩa tâm linh của nó.

Trong khi ấy, những dàn cồng chiêng quy mô của dân tộc Gia Rai, Êđê, Bana... có những chiếc cồng, chiêng mang tên gọi và bài bản khác nhau theo một quy định rõ rệt, chặt chẽ trong cách đánh theo từng hoàn cảnh ứng dụng.

Có chiếc trị giá bằng 20 con trâu (theo cách mua bán thời xưa). Dân tộc Êđê đánh cồng chiêng cũng treo từ trần nhà xuống như dân tộc Brâu, nhưng ngồi trên bộ phản hẹp, dầy, và dài làm từ một thân cây. Cồng (có núm) và chiêng (mặt phẳng) được tựa lên đùi mà đánh.

Dân tộc Gia Rai hay Bana thì thường mang cồng chiêng lên vai và đánh theo điệu nhảy múa có hình vòng tròn. Một buổi diễn trong lễ hội thường có rượu cần làm nghi lễ cúng Giàng (trời) và môi giới cho sự hứng thú tấu nhạc.

Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên được cấu trúc theo nhóm, từng bè (như dạng polyphony trong nhạc cổ điển Tây phương). Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà đã trở thành vật thiêng trong mỗi gia đình và cộng đồng.

Du khách đến Tây Nguyên hôm nay đều muốn thưởng thức một nhịp chiêng, muốn vít cần rượu bên ánh lửa giữa buôn để xem những điệu nhảy theo nhịp cồng, chiêng của những cô gái Ê đê, Mnông giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Những lễ hội cồng chiêng đặc sắc của dân tộc Tây Nguyên đã thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Nỗ lực bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Đã có thời gian, nạn mua bán cồng chiêng làm vơi đi rất nhiều số lượng cồng chiêng trong các gia đình. Số lượng cồng chiêng ở Tây Nguyên trong thời gian gần đây đang giảm sút tới mức báo động. Tiếng cồng chiêng ngày càng thưa thớt trong đời sống cộng đồng Tây Nguyên.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên: Đời sống kinh tế mới đã phá vỡ kết cấu cộng đồng xưa, các sinh hoạt truyền thống ngày càng ít đi khiến cồng chiêng không còn vị trí như trước. Mặt khác, người Tây Nguyên bây giờ cũng không còn quá tin tưởng vào thần linh, tính thiêng của cồng chiêng vì thế cũng giảm dần.

Đánh cồng chiêng, múa hát mừng ngày khánh thành làng văn hóa du lịch Pleôp. (Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN)

Thanh niên Tây Nguyên ngày càng biết ít đến những giá trị của cồng chiêng, ít gắn bó với những sinh hoạt của cộng đồng như xưa. Cồng chiêng vì thế đã trở thành chuyện của người già, nó đang nằm bên bờ vực của sự mai một. Ngay cả các nghệ nhân nắm giữ những giá trị nghệ thuật cồng chiêng cũng đã mất hoặc còn rất ít. Họ đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm.”

Khó có thể khôi phục đời sống cồng chiêng như trước đây, nhưng gìn giữ và bảo tồn loại hình di sản này là một việc làm rất cần thiết. Ngày nay, nhiều nơi ở Tây Nguyên đã khôi phục lại các lễ hội cồng chiêng.

Có nơi như Kon Tum 100% số xã, phường có đội cồng, chiêng, số lượng cồng chiêng đã lên tới 1.853 bộ. Tuy vậy, một số trong lớp trẻ mới lớn lên lại không biết đánh cồng chiêng. Vì vậy, nhiều nơi ở Tây Nguyên, đoàn thanh niên đã có sáng kiến xây dựng làng văn hóa thanh niên mà một trong những yêu cầu đối với đoàn viên là phải biết đánh cồng chiêng và múa hát dân tộc.

Trước nguy cơ mai một của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, việc phục hồi các xưởng chế tạo cồng chiêng sẽ góp phần bổ sung một lượng nhạc cụ gõ cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, và là một cách tích cực để đẩy mạnh phong trào diễn xướng sử dụng cồng chiêng trong các dân tộc.

Đồng thời, các nhà quản lý tuyên truyền cho người dân hiểu được giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình để cùng gìn giữ, bảo vệ phát huy nó trong nền văn hóa cộng đồng.

Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh công tác khảo cứu điền dã, trao đổi với các nghệ nhân, xây dựng phòng lưu trữ di sản văn hóa cồng chiêng, tổ chức đội ngũ nghiên cứu có chuyên môn về âm nhạc truyền thống..

Bảo tồn, phát huy di sản cồng chiêng Tây Nguyên còn được thể hiện cụ thể bằng việc đẩy mạnh công tác đào tạo về cồng chiêng trong các trường nghệ thuật của hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Trường Đại học Tây Nguyên.

Theo Vietnam+