Các di vật được khai quật tại di chỉ khảo cổ Vòng Thành Đá Trắng, ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.
Theo đó, UBND tỉnh thống nhất ý kiến của Sở Văn hóa và Thể thao, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về khảo cổ học, sử học về giữ nguyên hiện trạng toàn bộ di tích, bảo vệ khẩn cấp để bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ khảo cổ Vòng Thành Đá trắng theo quy định của Luật Di sản văn hóa. UBND tỉnh giao UBND huyện Xuyên Mộc chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan có biện pháp bảo vệ khẩn cấp toàn bộ di chỉ này. Bên cạnh đó, UBND huyện Xuyên Mộc phải đề nghị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Thành (đơn vị sử dụng đất có chứa di chỉ Vòng Thành Đá trắng) tạm ngưng toàn bộ các hoạt động xây dựng nhằm bảo vệ di chỉ khảo cổ này.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Khảo cổ (thuộc Khảo cổ học Vùng Nam Bộ) tiếp tục nghiên cứu, khai quật mở rộng để làm rõ các vấn đề về kiến trúc của thành, kiến trúc bên trong thành về quân đội, về dân cư… Cùng với đó, Sở Văn hóa và Thể thao hoàn thiện báo cáo khoa học để đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ khảo cổ và lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di chỉ khảo cổ này.
Di chỉ Vòng Thành Đá trắng được phát hiện từ năm 2002, nằm tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, khu vực di chỉ nằm trên một gò đất, có cấu trúc thành hình vuông, chiều dài mỗi cạnh hơn 200m, được xây bằng đá ong trên khu đất rộng 4,2ha và được bao bọc bởi đường hào hình chữ nhật dài 410m, rộng 265m.
Di chỉ khảo cổ Vòng Thành Đá Trắng, ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc được phát hiện từ năm 2002 với nhiều loại hình di tích cùng các di vật.
Từ tháng 12/2021 đến tháng 4/2022, công tác điều tra tổng thể, thám sát, khai quật khảo cổ học được thực hiện tại di tích nhằm làm rõ hiện trạng, đặc điểm cấu trúc và tính chất, giá trị của Vòng Thành Đá trắng. Các nhà khảo cổ học đã đào 66 hố thăm dò và 13 hố khai quật diện tích gần 800m2, phát hiện nhiều loại hình di tích như: bếp sinh hoạt, hố rác, tường thành xây bằng đá ong, vòng hào cùng các di vật gồm: đục, dao, liềm, kìm… Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 14.965 mảnh vỡ chủ yếu là gốm Gò Sành (Champa); một số ít mảnh vật dụng bán sứ có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam thời Lê sơ (gốm Chu Đậu) và Thái Lan thời kỳ Sukhothai (gốm Sawankhalok).
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ phát hiện nhóm mảnh vỡ ở phần đáy của loại bình gốm mịn có đặc điểm tương tự với đồ gốm trong các di tích thuộc giai đoạn Óc Eo muộn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Toàn cảnh di chỉ Vòng Thành Đá Trắng, ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.
Theo các nhà khảo cổ học, Vòng Thành Đá trắng là di tích khảo cổ duy nhất ở Nam Bộ phát hiện được gốm văn hóa Champa và có niên đại sớm nhất so với các di tích thành cổ ở Nam bộ, với niên đại vào khoảng thế kỷ XV-XVI, sớm nhất so với các di tích cùng loại. Nơi đây là vùng đất giao thoa giữa 2 nền văn hóa lớn là Champa và Óc Eo.
Khu đất đang hiện hữu di chỉ lại đang thuộc quyền sử dụng của tư nhân. Các hoạt động canh tác, xây dựng đã và đang làm phá vỡ cấu trúc của Vòng Thành Đá Trắng ở nhiều mức độ khác nhau. Công tác khai quật hiện chỉ dừng ở mức độ thăm dò, dự báo. Địa phương cần phải khoanh vùng, bảo vệ khẩn cấp di tích này. Sau đó, cần nghiên cứu, khai quật toàn diện, lập hồ sơ đề nghị ngành chức năng xếp hạng di tích.
Theo HOÀNG NHỊ (TTXVN)