Nhiều trẻ em Afghanistan đối mặt cuộc sống khó khăn do xung đột kéo dài. Ảnh REUTERS
Mina, 8 tuổi và Ahmad Faisal (A.Phai-xan), 13 tuổi cùng gia đình đã cố gắng chạy trốn khỏi cuộc xung đột đẫm máu ở Afghanistan bằng chuyến bay sơ tán vào tháng 9/2021, nhưng vụ đánh bom đẫm máu ở sân bay Cabun đã khiến hai đứa trẻ bị mất mẹ và lạc bố. Dì của Mina cho biết, đêm nào cô bé cũng khóc cho đến khi ngủ thiếp đi. Trong khi đó, cô bé Maria, 4 tuổi ở dải Gaza bị sốc nặng đến mức không thể nói được nữa, sau khi chứng kiến cảnh tượng đau đớn là mẹ cùng bốn anh chị em trong gia đình thiệt mạng khi nhà của họ bị tên lửa phá hủy. Mina, Ahmad Faisal và Maria chỉ là ba trong số hàng nghìn trẻ em phải gánh chịu nỗi đau do các cuộc xung đột trong năm 2021 gây ra.
UNICEF cảnh báo tình trạng vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang tiếp tục gia tăng trong năm 2021, gây ra những tổn thương lớn cho hàng nghìn trẻ em. Những vụ bạo lực nghiêm trọng nhằm vào trẻ em không còn là hình ảnh mới tại các điểm nóng xung đột như Afghanistan, Yemen, Syria, miền bắc Ethiopia... Cựu Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore (H.Pho) nhấn mạnh, từ năm này qua năm khác, các bên tham gia xung đột liên tiếp vi phạm quyền trẻ em.
Từ năm 2005 đến nay, Liên hợp quốc ghi nhận 266 nghìn vụ bạo lực nghiêm trọng nhằm vào trẻ em tại hơn 30 cuộc xung đột diễn ra ở châu Phi, châu Á, Trung Ðông và Mỹ Latin. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Afghanistan là quốc gia có số trẻ em bị thiệt mạng do xung đột cao nhất, chiếm 27% tổng số trường hợp trên toàn thế giới. Trong khi đó, khu vực Trung Ðông và Bắc Phi ghi nhận nhiều vụ tấn công nhằm vào trường học và bệnh viện nhất. Trong ba tháng đầu năm 2021, số vụ bắt cóc trẻ em đã tăng ở mức đáng báo động, nhất là ở Somalia, CHDC Congo và ở các khu vực hồ Chad gồm Chad, Nigeria, Cameroon và Niger. Những con số nêu trên đã phần nào phác họa bức tranh ảm đạm về thực trạng cuộc sống của trẻ em tại những khu vực xảy ra xung đột.
Theo UNICEF, trẻ em sống trong các khu vực xảy ra xung đột đang phải hứng chịu những nỗi sợ kinh hoàng mỗi ngày, trước hết là mối đe dọa dai dẳng và ngày càng tăng của các loại vũ khí tấn công. Trong năm 2020, hơn 3.900 trẻ em đã thiệt mạng và bị tàn tật do các thiết bị nổ. Bên cạnh đó, trẻ em thường xuyên bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Có tới 37% số vụ bắt cóc là nhằm tuyển mộ và sử dụng trẻ em cho các cuộc xung đột. Con số này thậm chí vượt quá 50% tại Somalia, CHDC Congo, CH Trung Phi. Lính trẻ em không còn là câu chuyện lạ lẫm tại các khu vực xảy ra xung đột liên miên. Giám đốc khu vực Tây và Trung Phi của UNICEF Marie-Pierre Poirier (M.P.Poa-ri-ê) khẳng định, nhiều trẻ em đã bị cuốn vào xung đột, đối mặt bạo lực và bất an. Những đứa trẻ đó không có quyền lựa chọn khi không được đến trường, không đủ ăn và bị ép buộc phải cầm súng.
Chiến tranh và xung đột vũ trang vẫn là mối đe dọa trực tiếp đối với cuộc sống, tương lai của nhiều trẻ em. Ðể trẻ em không tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy các cuộc xung đột và là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia tăng, UNICEF kêu gọi tất cả các bên tham gia xung đột cam kết thực hiện các kế hoạch hành động cụ thể để bảo vệ trẻ em như ngăn chặn tình trạng vi phạm quyền trẻ em, giải phóng trẻ em khỏi các nhóm vũ trang, chấm dứt các cuộc tấn công vào bệnh viện và trường học... Tuy nhiên, kể từ năm 2005 đến nay, chỉ có 37 kế hoạch được ký kết.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) từng khẳng định, "xung đột không phải là nơi dành cho trẻ em và chúng ta không được để xung đột chà đạp lên quyền trẻ em". Ðể hiện thực hóa mục tiêu đó, UNICEF kêu gọi cộng đồng quốc tế và các bên liên quan cuộc xung đột ưu tiên bảo vệ trẻ em thông qua tìm kiếm giải pháp hòa bình và chấm dứt bạo lực, tuân thủ các cam kết quốc tế về bảo vệ trẻ em một cách vô điều kiện trong xung đột.
Theo BẢO CHÂU (Nhân Dân)