Báo Xuân xưa - đôi điều lượm lặt

17/01/2024 - 05:50

 - Mỗi dịp Xuân về, người người đón Tết, các tòa soạn trình diện tờ báo Xuân, chiêu đãi “bữa tiệc" thịnh soạn nhất dành cho độc giả. Trong ấn phẩm đặc biệt này, phóng viên, biên tập viên dồn tâm huyết, trí tuệ để mang đến cho người đọc những điều ý nghĩa, mới lạ, ít nghe thấy, cùng những hình ảnh đẹp, mới lạ, được trình bày trên bìa ấn phẩm Xuân.

Báo Xuân - món quà đặc sắc

Thành thông lệ đã hàng thế kỷ, Tết đến, tờ báo Xuân trở thành nét văn hóa đặc biệt, là món ăn tinh thần không thể thiếu của Tết Việt. Để có được ấn phẩm Xuân, cả tòa soạn dồn tâm huyết, công sức nhiều ngày để đưa món ăn tinh thần phải “ngon, bổ ích” mà thường nhật không thể có. Trước hết, để có bìa ấn phẩm Xuân đẹp nhất, ấn tượng nhất, vai trò người họa sĩ thời xưa vô cùng quan trọng, do khoa học - công nghệ lúc đó chưa phát triển. Với nội dung bài viết các loại và thơ phú đều tập trung vào thông tin hay, quý hiếm, khó tìm, các loại hình thư giãn, giải trí; mọi tranh chấp, sự ồn ào của đời thường gác lại một bên, nhường chỗ cho nhìn lại năm đã qua với niềm vui và hy vọng cho một năm mới tốt đẹp hơn.

Về số trang báo Xuân ngày trước chỉ hai ba chục trang, cùng quảng cáo các loại, còn ngày nay đến hàng trăm trang với khá nhiều loại khuôn khổ. Với người làm báo, ấn phẩm Xuân là “món quà” đặc biệt. Khi ấn phẩm Xuân đến tay người đọc, là cả một quá trình gia công, với nhiều công đoạn, như: Chọn lựa bài viết, thơ phú, hình ảnh, biên tập, trình bày báo và nhiều công việc “bếp núc” của tòa soạn báo. Với nhiều cách để có sản phẩm Xuân, chỉ lượm lặt đôi điều của người biên tập cùng tác giả được cho là “nghiện mùa Xuân”.

Biên tập thơ văn, báo chí

Nhà báo, nhà văn Vũ Bằng nổi tiếng ở cả hai lĩnh vực này. Lúc ông chưa làm thư ký tòa soạn Tiểu thuyết Thứ Bảy (1934 - 1944) ra khổ lớn, nhà văn Nam Cao một số lần gửi truyện đến tòa soạn, nhưng với nhiều lý do, tác phẩm không được đăng, trả lời. Khi nhà văn Ngọc Giao xin nghỉ việc, ông chủ bút Vũ Đình Long mời tác giả của “Thương nhớ mười hai” về làm thư ký tòa soạn. Đầu tiên, ông Vũ Bằng đem cả đống bài lai cảo ở tòa soạn về nhà đọc. Bằng con mắt xanh thạo nghề, nhà văn phát hiện mấy bản thảo của Nam Cao “bị hờ hững” nên ông lấy đọc, lập tức lời văn chinh phục ông.

“Và ngay sáng hôm sau, tôi sửa qua vài chữ, vẽ ma-két, đặt truyện của Nam Cao lên trang nhất, kèm sa-pô giới thiệu một văn tài mới…”- ông Vũ Bằng tường thuật lại. Nhờ cái tâm của người biên tập và con mắt xanh của nhà báo lành nghề, đã giúp nhà văn Nam Cao không lỡ chuyến đò văn chương và nước nhà có được di sản văn chương của nhà văn biệt tài.

“Biên tập viên ngoài năng lực trình độ chuyên môn, cần có bản lĩnh nghề nghiệp, nghệ thuật từ chối bản thảo không đạt chất lượng, không đáp ứng tiêu chí của tòa soạn. Người viết đã khổ tứ, đau đầu, muốn tác phẩm của mình được ra đời, nhưng bị từ chối, nhất là bị nhiều lần sẽ rất buồn, nghĩ ngợi, thậm chí buông bút. Không sử dụng tác phẩm, không phải đố kỵ nhau, nhưng có phần chắc chắn là không ít tác giả lười biếng xem lại bản thảo, thiếu sự đầu tư và có sự trùng hợp về nội dung vấn đề. Cho nên nghề biên tập viên dù là “ông trời con”, cũng nhiều khi buồn lặng, nhưng phải có cái tâm làm “bà đỡ mát tay và con mắt xanh”- nhà báo Vũ Bằng đúc kết.

Báo Phong hóa, Ngày nay - hai tờ báo nổi bật nhất giai đoạn 1932 - 1940, mời nhà thơ, nhà phê bình văn học Thế Lữ nổi tiếng, phụ trách mục “Tin thơ”. Tại đây, ông Thế Lữ bình chọn, phân tích, diễn giải, sửa chữa thơ của các tác giả gửi về báo. Điều đáng nói, dường như không một tác giả nào không bị người phụ trách mục “Tin thơ” phê phán, chê trách. Nào là vụng về, cẩu thả, ngượng ngập, dễ dãi quá, hững hờ quá, mộc mạc quá, mất cả ý nhị, tối tâm, hỗn độn... Chỉ riêng chi tiết sửa thơ đã nói lên quyền lực của Thế Lữ. Sửa chữa văn thơ, chữ nghĩa của người khác bao giờ cũng là việc hệ trọng. Ông ở địa vị là người sở hữu và ban phát chuẩn mực, mới dám sửa thơ của người khác. Qua văn tài của mình, nhà thơ đa tài Thế Lữ được thẩm quyền và được các văn tài đương thời nể trọng. Trong tác phẩm “Công việc làm thơ”, chính nhà thơ tình Xuân Diệu đã thừa nhận “rất khâm phục và cảm kích Thế Lữ vì những sửa chữa, biên tập đầy chất thơ, đầy nhạy cảm nghệ thuật, chữa thơ rất tài tình...”.

Nhờ thơ “nghiện mùa Xuân”

Với nhà thơ Bùi Giáng luôn có một mùa Xuân vĩnh cửu, bởi chính ông tự xưng mình là “trung niên thi sĩ”- tuổi chín chắn để biết “cắn vào mùa Xuân”. Bài thơ “Chào nguyên Xuân” của ông cực hay, khó có nhà thơ viết nổi. Đây là bài thơ trẻ trung đến kỳ lạ, ở đó có bàn tay, cỏ cây, có bụi bặm trần gian, có làn môi… nhưng cũng có nỗi sầu muôn kiếp: "Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau…" để rồi hội ngộ giữa màu nguyên Xuân, chứ không phải biệt ly.

Mùa Xuân với ông luôn được hiển hiện, lung linh ánh sáng, long lanh thinh sắc của đất trời, con người an tâm vui hưởng, tin ở sự tuần hoàn miên viễn, như tin vào một cánh én: Én đầu Xuân tuyết đầu đông/ Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa/ Xuân về Xuân lại Xuân đi /Đi là đi biệt từ khi chưa về. Thưa rằng nói nữa là sai/ Mùa Xuân đang đợi bước ai đi vào...

Thơ ông viết rất nhiều. Tập thơ “Mưa nguồn” với rất nhiều hương đồng gió nội, âm sắc lạ lùng, gây ngỡ ngàng cho bao thế hệ người đọc. Riêng về Xuân, đã 10 bài có tên Xuân: Xuân sớm, trời Xuân, ngàn Xuân, bờ Xuân, đầu Xuân, cành Xuân, mộng Xuân, trái Xuân, bến Xuân, ruộng Xuân, đường Xuân, thư Xuân, dòng Xuân... Xuân của Bùi Giáng còn có cả màu: Màu Xuân se, màu nguyên Xuân, màu Xuân... Xuân như suối nguồn chảy ra bất tận.

NGUYÊN HẢO