Cơ sở giữ trẻ có bảng hiệu “Nhóm trẻ Minh Ngọc” nằm trên địa bàn ấp Vĩnh Thới (xã Vĩnh Hanh), do Phan Ngọc Minh Thư làm chủ, nhưng Thư không có các giấy tờ theo quy định; một mình Thư đảm nhận tất cả các công việc tại cơ sở trông giữ trẻ.
Năm 2015, UBND xã Vĩnh Hanh thành lập đoàn kiểm tra, phát hiện cơ sở giữ trẻ của Thư hoạt động nhưng không có quyết định thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập nên yêu cầu Thư ngừng hoạt động. Tuy nhiên, đến năm 2022, nhóm trẻ đã hoạt động trở lại, mặc dù chưa được cấp phép. Ngày 25/5/2023, Thư nhận giữ 9 trẻ từ 19 tháng đến 4 tuổi, trong đó có cháu Ngô Hoàng B. (sinh ngày 10/10/2021).
Bị cáo Thư tại phiên tòa sơ thẩm
Khoảng 6 giờ 30 phút sáng 25/5/2023, Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1989, ngụ ấp Vĩnh Hòa A, xã Cần Đăng) đưa con là Ngô Hoàng B. đến gửi tại Nhóm trẻ Minh Ngọc, rồi đi làm tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành). Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, Thư thấy cháu B. khóc, có biểu hiện mệt và uốn mình nên gọi điện thoại cho Thắm đến rước cháu về để đưa đến bệnh viện.
Sau đó, Thắm gọi điện thoại cho Nguyễn Trí Đặng (cha của cháu B.) đến rước. Khi Đặng đến nhà trẻ thì thấy cháu B. có biểu hiện bị ngất xỉu nên đã cùng Thắm đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Châu Thành cấp cứu. Tuy nhiên, B. đã tử vong trước khi vào bệnh viện. Đặng đã trình báo sự việc đến Công an xã Vĩnh Hanh.
Theo kết quả giám định, nguyên nhân B. tử vong do sốc mất máu cấp do chấn thương bụng kín, đứt vỡ động mạch mạc treo. Tại phiên tòa sơ thẩm, Phan Ngọc Minh Thư cho biết, bị cáo có các giấy tờ, chứng chỉ nghiệp vụ (chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, do Trường Đại học An Giang cấp ngày 24/12/2014); giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Châu Thành cấp ngày 29/10/2015, ngành nghề kinh doanh là giáo dục mầm non; chứng chỉ đào tạo cấp dưỡng do Trường Trung cấp nghề Châu Đốc cấp ngày 2/6/2016. Tuy nhiên, do Thư không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non nên không dược cấp phép hoạt động.
Vào ngày xảy ra sự việc, bị cáo trông giữ 9 trẻ, trong đó có cháu B. Khoảng 14 giờ, thấy cháu B. có biểu hiện bất thường nên đã điện thoại cho mẹ và ông ngoại đến chở đi bệnh viện, đến khoảng 18 giờ thì nghe tin cháu đã tử vong. Thư cho biết, không đánh cháu B., do đang đi vệ sinh nên không thấy cháu bị té ngã và không thấy ai xô đẩy cháu. Bị cáo và chồng nộp hỗ trợ cho gia đình bị hại 60 triệu đồng.
Tuy nhiên, người đại diện hợp pháp bị hại là chị Nguyễn Thị Thắm yêu cầu xử bị cáo tội cố ý giết người, không đồng ý xét xử tội “Vô ý làm chết người”. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện bị hại không thống nhất với tội danh mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành đã truy tố, đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ thêm hành vi của bị cáo về tội “Vô ý làm chết người” và tội “Không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Về trách nhiệm dân sự, yêu cầu Thư bồi thường tổng chi phí thiệt hại 250 triệu đồng. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành giữ nguyên truy tố như cáo trạng.
Tại phiên tòa, Phan Ngọc Minh Thư thể hiện sự ăn năn, hối cải, xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để có điều kiện sửa chữa lỗi lầm, trở thành công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Luật sư bào chữa cho rằng, bị cáo đã thể hiện sự hối lỗi, nhân thân tốt, có nhiều đóng góp trong công tác xã hội tại địa phương và có mẹ từng phục vụ trong ngành y tế của xã Vĩnh Hanh; đề nghị hội đồng xét xử xem xét áp dụng mức hình phạt thấp nhất cho bị cáo.
Tòa án nhân dân huyện Châu Thành đã tuyên phạt Phan Ngọc Minh Thư 1 năm tù về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”; cấm bị cáo trực tiếp quản lý, điều hành, trông coi, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt và buộc bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân trên 130 triệu đồng.
NGUYỄN HƯNG