Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) mở rộng ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh (minh họa): Vũ Sinh/TTXVN
Giá thuê duy trì mức tăng trưởng mạnh
Theo các chuyên gia, đối với thị trường đất công nghiệp, diện tích hấp thụ trong 6 tháng đầu năm 2023 của các thị trường cấp 1 miền Bắc và miền Nam lần lượt đạt 386 ha và 397 ha. Mức hấp thụ này cao hơn 20% đối với miền Nam và 60% đối với miền Bắc so với nửa đầu năm 2022. Do quỹ đất công nghiệp sẵn sàng để bàn giao rất hạn chế ở cả hai miền, trong khi nguồn cầu dồi dào, giá thuê đất công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng mạnh. Giá thuê trung bình cho thị trường cấp 1 ở miền Bắc và miền Nam lần lượt ở ngưỡng 127 USD và 187 USD/m2/kỳ hạn còn lại. Trong 4 năm qua, trung bình giá thuê tăng 7%/năm ở miền Bắc và 13%/năm ở miền Nam.
Đối với thị trường nhà kho và nhà xưởng xây sẵn, nguồn cung đã tăng trưởng mạnh trong ba năm vừa qua. Trong sáu tháng đầu năm 2023, tổng cộng 0,9 triệu m2 nhà kho và nhà xưởng xây sẵn đã được hoàn thành tại thị trường cấp 1 ở cả hai khu vực; trong đó, 60% nguồn cung này tới từ phía Bắc. Nguồn cung đã tăng hơn 20% mỗi năm ở miền Bắc và 18% - 49% mỗi năm ở miền Nam trong bốn năm qua. Khi cạnh tranh gia tăng, tốc độ tăng trưởng giá thuê của các phân khúc này ở mức vừa phải, duy trì quanh mức 2-3%/năm trong 4 năm qua.
Bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Định giá - Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam, cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tình trạng thiếu hụt đơn hàng diễn ra hầu hết tại các ngành công nghiệp truyền thống như may mặc và da giày. Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông và các ngành công nghệ cao vẫn ghi nhận sự tham gia và mở rộng của các doanh nghiệp nước ngoài.
Về nguồn cầu, khu vực phía Bắc tiếp tục ghi nhận sức cầu mạnh mẽ từ lĩnh vực điện tử. Trong nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản công nghiệp ghi nhận sự mở rộng của các nhà sản xuất lớn như Foxconn và Goertek tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Ngoài ra, sự mở rộng mạnh mẽ của các nhà sản xuất Trung Quốc trong các lĩnh vực khác nhau cũng góp phần giúp phân khúc đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn ghi nhận mức hấp thụ tốt tại phía Bắc. Trong khi đó, nhu cầu thị trường phía Nam rất đa dạng. Khách thuê thuộc các ngành sản xuất ô tô, may mặc và bao bì nằm trong số những nhóm ngành tích cực tìm kiếm đất công nghiệp, kho và xưởng xây sẵn ở miền Nam.
CBRE Việt Nam nhận định, trong tương lai, giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng ở mức thấp hơn trước, rơi vào khoảng 4-8%/năm sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh. Trong khi, giá thuê kho xưởng xây sẵn có thể chỉ tăng nhẹ dưới 4% trong 12 tháng tới ở cả hai khu vực do cạnh tranh cao hơn từ các dự án tương lai.
Nguồn cầu lớn từ các nhà sản xuất toàn cầu
Theo đánh giá của chuyên gia, thị trường bất động sản công nghiệp đã chứng kiến sự bùng nổ trở lại của Việt Nam sau hai năm gián đoạn vì đại dịch. Đáng chú ý, ngay sau khi biên giới mở cửa trở lại, nhà đầu tư và khách hàng quốc tế đã nhanh chóng sắp xếp các cuộc khảo sát vị trí, ký kết biên bản ghi nhớ (MOU), hợp đồng thuê và các thỏa thuận mua bán. Thị trường bất động sản công nghiệp cũng đang chứng kiến sự quan tâm từ các nhà sản xuất toàn cầu với nhu cầu đầu tư lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng xanh, logistic…
Về xu hướng trong tương lai, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam, chia sẻ: "Mặc dù chúng tôi chưa thấy bằng chứng rõ ràng về chênh lệch giá thuê của các dự án công nghiệp đạt chứng chỉ xanh tại Việt Nam, nhưng khách thuê đã bắt đầu có xu hướng ưu tiên hơn đối với các dự án được phát triển bền vững và chú trọng vào năng lượng tái tạo. Thực tế có ngày càng nhiều dự án công nghiệp được đăng ký và có chứng nhận LEED tại Việt Nam".
Tính đến Quý III/2023, hàng loạt dự án bất động sản công nghiệp đã đăng ký cấp chứng nhận LEED, như Core5 - Hải Phòng, Logos - Bắc Ninh, RBW tại khu công nghiệp Phú Tân - Bình Dương, RBW tại khu công nghiệp Xuyên Á - Long An… Như các lĩnh vực thương mại khác, việc phát triển bền vững cũng sẽ trở thành xu hướng bắt buộc của bất động sản công nghiệp.
Theo ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam, thị trường công nghiệp Việt Nam hiện đang được hưởng lợi nhờ ưu thế đến từ quá trình mở cửa biên giới, tỷ giá Việt Nam đồng ổn định; mức thuế doanh nghiệp hấp dẫn. Đặc biệt, trước thực tế các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa khu vực hoạt động, hoặc di dời khỏi Trung Quốc thì thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam càng phát huy là điểm sáng bằng việc tạo điều kiện để thu hút nhà đầu tư.
Dự kiến ngành công nghiệp và sản xuất sẽ dẫn đầu trong thu hút dòng vốn ngoại với sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài về đất công nghiệp và nguồn cung xây sẵn chất lượng cao. Tuy vậy, việc tìm kiếm nguồn cung đất công nghiệp đang trở thành bài toán khó cho doanh nghiệp, khi tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp luôn đạt mức cao.
Ông John Campbell cho rằng, để có thể hỗ trợ tốt nhất về nguồn cung đất công nghiệp nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vấn đề về mặt thủ tục đầu tư, pháp lý và quy trình phê duyệt dự án cần được đẩy nhanh hơn. Các chủ đầu tư cũng kỳ vọng tiến độ, quy trình bồi thường và giải phóng mặt bằng được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đồng thời, có thể được tạo điều kiện nhận giấy phép, bản đồ quy hoạch tổng thể, giấy chứng nhận xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… trong thời gian sớm nhất có thể.
Theo TTXVN