Ngày 12-4, Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM, đang tạm giữ Obiora Walter (33 tuổi, quốc tịch Nigeria) để điều tra về hành vi sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46), Công an TP.HCM tiếp nhận đơn trình báo của Công ty TNHH Hella Việt Nam (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) về việc công ty mẹ của công ty này có trụ sở tại Trung Quốc bị lừa số tiền gần 7.000 Euro.
Cụ thể, đầu năm 2017, Công ty Hella Shanghai Electronics (trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc) nợ Công ty Indo - MIM Private Limited (trụ sở tại Ấn Độ) 3 đơn hàng với số tiền là gần 7.000 Euro. Đến cuối năm 2017, Công ty Hella Shanghai Electronics liên tục nhận được email giống hệt email của công ty đối tác yêu cầu thanh toán tiền nợ và văn bản về việc thay đổi tài khoản thụ hưởng.
Theo đó, số tiền được phía Indo - MIM Private Limited đề nghị chuyển vào tài khoản đứng tên Công ty TNHH Tek Seng Rice Mill (trụ sở tại 38 Bùi Viện, Q.1, TP.HCM) mở tại Ngân hàng Sacombank. Bị hối thúc, Công ty Hella Shanghai Electronics chuyển trả toàn bộ tiền nợ vào số tài khoản như công ty “đối tác” cung cấp.
Sau khi bị lừa, Công ty Hella Shanghai Electronics đã ủy quyền cho công ty con của mình là Công ty TNHH Hella Việt Nam trình báo công an.
Nhận đơn tố giác, công an đã mời Giám đốc Công ty TNHH Tek Seng Rice Mill là T.T.N.T (29 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) lên làm việc. Tại cơ quan điều tra, T. khai quen Obiora ở quán bar và được người này nhờ mở công ty để “chuyển hàng hóa ra nước ngoài”, nhưng thực chất là cầu nối để chuyển và rút tiền. Và chính T. là người đã rút tiền của Công ty Hella Shanghai Electronics gửi về tài khoản của công ty mình để đưa cho “ông trùm” Obiora.
Ngoài công ty nói trên, được sự hậu thuẫn của Obiora, T. còn là “giám đốc” của 10 công ty “ma” khác. Từ lời khai của T., ngày 6.4, Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi cư trú của Obiora tại một chung cư ở Q.2 (TP.HCM), thu giữ 1 máy tính, ổ cứng, điện thoại, và một số tài liệu liên quan đến đường dây lừa đảo.
Đặc biệt, trong máy tính của Obiora còn chứa nhiều phần mềm chuyên dụng dùng để phát tán mã độc chứa virus đánh cắp thông tin bảo mật thư điện tử, từ đó chiếm quyền làm chủ các email để phục vụ việc lừa đảo.
Tại đây, cơ quan chức năng còn phát hiện 6 con dấu và hồ sơ pháp nhân của 6 công ty khác nhau do một trợ thủ đắc lực khác của Obiora đứng tên là N.T.N.T (33 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) đứng tên.
Không chỉ đột nhập, đánh cắp email của các công ty để thực hiện hành vi lừa đảo mà Obiora còn sử dụng nhiều tài khoản trên mạng xã hội để tiếp cận nhiều phụ nữ Việt Nam để lừa gạt tiền bạc, tình cảm.
Tính tới thời điểm bị bắt, với hình thức trên, Obiora và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng. Số tiền kiếm được, Obiora mua các loại hàng hóa giá trị cao ở Việt Nam chuyển về nước để tẩu tán.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo Thanh Niên