Bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 tại Mỹ - Vào chặng nước rút

18/10/2022 - 07:53

Đảng Dân chủ tiếp tục chiếm đa số tại Thượng viện, trong khi đảng Cộng hòa sẽ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện. Đây là kịch bản được giới phân tích nhắc tới nhiều nhất trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 11 tới.

Trụ sở Quốc hội Mỹ tại Washington D.C. Ảnh: house.gov

Vì sao có bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ

Chính trường Mỹ đang nóng lên khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022. Ngoài cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội khóa 118, cuộc bầu cử còn bầu lại hàng loạt vị trí thống đốc tiểu bang và chính quyền địa phương.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ có tên gọi đầy đủ là “bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống”. Các nhà lập quốc tại Mỹ, xuất phát từ mong muốn xây dựng một hệ thống chính trị cân bằng và bền vững, đã đưa vào Hiến pháp hình thức bầu cử khác với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong khi Tổng thống Mỹ được bầu qua lá phiếu đại cử tri, thì lưỡng viện quốc hội, thống đốc các tiểu bang và chính quyền địa phương lại được bầu qua hình thức phổ thông đầu phiếu.

Hiến pháp Mỹ qui định nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 4 năm, Hạ nghị sĩ nhiệm kỳ 2 năm, Thượng nghị sĩ nhiệm kỳ 6 năm. Do đó, cứ mỗi 2 năm, vào giữa nhiệm kỳ của tổng thống, cử tri trên khắp nước Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và 1/3 trên tổng số 100 ghế tại Thượng viện.

Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ thường được tổ chức vào ngày thứ 3 sau ngày thứ 2 đầu tiên trong tháng 11 của năm bầu cử. Do đó, cuộc bầu cử năm 2022 sẽ diễn ra vào thứ Ba ngày 8/11 tới để bầu lại tất cả 435 ghế Hạ nghị sĩ; 35/100 ghế Thượng nghị sĩ và 36 thống đốc tiểu bang và hàng loạt cuộc bầu cử chính quyền địa phương. Từ ngày 28/10, cử tri tại một số bang có thể được phép đi bỏ phiếu sớm.

Dù tên của Tổng thống Joe Biden không có trên bất kỳ lá phiếu nào, song cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi như một cuộc trưng cầu dân ý toàn liên bang đối với kết quả điều hành chính phủ của ông Biden nói riêng, và đảng Dân chủ nói chung, trong gần 2 năm qua. Kết quả bầu cử cũng sẽ phát đi tín hiệu về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong ít nhất 2 năm tới. 2022 là cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra sau cuộc tổng điều tra dân số năm 2020. Những người thắng cử vào Quốc hội khóa 118 sẽ nhậm chức ngày 3/1/2023.

Phòng họp chính của Hạ viện Mỹ. Ảnh: house.gov

Cuộc đua tại Hạ viện

Hạ viện khóa 117 đảng Dân chủ nắm 220 ghế, đảng Cộng hòa giữ 212 ghế và có 3 ghế trống. Chủ tịch Hạ viện hiện nay là Hạ nghị sĩ Dân chủ Nancy Pelosi, Lãnh đạo phe đa số là Hạ nghị sĩ Dân chủ Steny Hoyer và Lãnh đạo phe thiểu số là Hạ nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCathy.

Đảng Dân chủ đang toàn quyền kiểm soát cả Nhà Trắng, Hạ viện và Thượng viện. Tuy nhiên, lịch sử chính trường nước Mỹ có một xu hướng phổ biến, đó là đảng đang nắm giữ Nhà Trắng thường thất bại hoặc mất nhiều ghế trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Laura Smith, chuyên gia nghiên cứu lịch sử các đời tổng thống Mỹ tại Đại học Oxford, nói: “Cử tri Mỹ có xu thế bỏ phiếu bất lợi cho một tổng thống đương nhiệm trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ".

Có tổng cộng 19 cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được tổ chức kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 tới nay. 17/19 cuộc bầu cử đó đảng của tổng thống đều mất ghế tại Hạ viện, với tỷ lệ trung bình là mất 27 ghế. Xa hơn, kể từ năm 1862, đảng của tổng thống để mất ghế tại Hạ viện tới 36 trên tổng số 40 cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất do Washington Post-ABC News tiến hành cuối tháng 9 cho thấy tỷ lệ không ủng hộ Tổng thống Biden đang tăng lên, với 53% số người Mỹ được hỏi bày tỏ không đồng tình với cách điều hành chính phủ của ông Biden, trong khi 51% số cử tri độc lập nói rằng họ muốn phe Cộng hòa nắm giữ Quốc hội vào năm tới để giám sát Nhà Trắng.

Trong khi đó, cuộc thăm dò dư luận do CNN tiến hành đầu tháng 10 cho thấy cuộc đua tại Hạ viện sẽ rất gay cấn, với 50,8% ủng hộ đảng Dân chủ và 49,7% ủng hộ đảng Cộng hòa.

Với tỷ lệ Dân chủ 220 ghế-Cộng hòa 212 ghế hiện nay, đảng Cộng hòa cần giữ nguyên được số hiện tại và giành thêm được 6 ghế nữa để hội đủ 218 ghế và kiểm soát lại Hạ viện. Theo giới quan sát, đây là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra.

Phòng họp của Thượng viện Mỹ. Ảnh: C-Span

Cuộc đua tại Thượng viện

Chủ tịch Thượng viện hiện nay là Phó Tổng thống Kamala Harris (Dân chủ), Chủ tịch tạm quyền là Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (Dân chủ); Lãnh đạo phe đa số là Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân chủ); Lãnh đạo phe thiểu số là Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (Cộng hòa).

Thượng viện khóa 117 đang ở thế sít sao. Đảng Dân chủ giữ 50 ghế (gồm 48 ghế của các Thượng nghị sĩ Dân chủ và 2 ghế trung lập nhưng ủng hộ Dân chủ), trong khi đảng Cộng hòa nắm 50 ghế. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Mỹ, do Phó Tổng thống Harris, trên cương vị Chủ tịch Thượng viện, là người đảng Dân chủ nên lá phiếu “phá băng” của bà giúp đảng Dân chủ nắm đa số tại Thượng viện Mỹ.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, giới phân tích đánh giá đảng Dân chủ đang có lợi thế hơn. Trong số 35 ghế thượng nghị sĩ bầu lại lần này, đảng Dân chủ chỉ có 14 ghế, trong khi phe Cộng hòa sẽ phải bầu lại tới 21 ghế.

Bên cạnh đó, cuộc đua sẽ thêm phần khó cho đảng Cộng hòa khi họ sẽ phải “bảo vệ” hai ghế thượng nghị sĩ tại hai bang mà ông Joe Biden (Dân chủ) giành thắng lợi thuyết phục trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 là Pennsylvania and Wisconsin.

Theo TUẤN KHANH (Báo Tin Tức)