Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania ngày 17/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 17/6, trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania của Mỹ, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã kêu gọi nỗ lực công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế tại nước này, trong đó nhấn mạnh giới siêu giàu cần trả phần thuế phù hợp hơn với thu nhập thực tế của mình.
Phát biểu tại sự kiện tranh cử, ông Biden nhấn mạnh tầng lớp lao động là lực lượng then chốt của nền kinh tế Mỹ, có ý nghĩa quan trọng giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế.
Trong lời kêu gọi lần này, ông cam kết sẽ bảo vệ an sinh xã hội và các chương trình phúc lợi khác cho người dân Mỹ nếu tái đắc cử.
Bên cạnh đó, ông đề xuất biện pháp cải cách thuế trong bối cảnh số lượng tỷ phú của Mỹ đã tăng lên khoảng 1.000 người.
Tổng thống Biden cho rằng giới siêu giàu cần phải trả mức thuế tương đương trung bình 8% thu nhập của họ.
Lời kêu gọi của ông Biden được cho là sẽ giúp giữ chân được số lượng lớn những người ủng hộ đảng Dân chủ thuộc tầng lớp lao động trước khi họ thay đổi lập trường ủng hộ.
Người dân Mỹ đang ngày càng ủng hộ việc đánh thuế tài sản đối với giới siêu giàu. Tuy nhiên, bất chấp sự xuất hiện ngày càng nhiều của những đề xuất tương tự, các chính sách liên quan đến vấn đề này vẫn chưa thật sự hiệu quả.
Tổng thống Joe Biden hồi tháng Ba vừa qua đã công bố đề xuất đánh thuế tài sản liên bang mới nhất, như một phần trong khuôn khổ ngân sách năm 2023 của ông, nhằm mục tiêu thu hẹp mức thâm hụt ngân sách lên tới 360 tỷ USD.
Đề xuất đánh thuế thu nhập tối thiểu đối với các tỷ phú của Tổng thống Biden (trong khuôn khổ đề xuất đánh thuế tài sản liên bang mới nhất) yêu cầu áp thuế 20% đối với những hộ gia đình có tổng thu nhập trên 100 triệu USD.
Khái niệm tổng thu nhập này bao gồm cả những lợi nhuận chưa được hiện thực hóa từ các khoản đầu tư hoặc tăng trưởng tài sản.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về chính sách, giống như các đề xuất đánh thuế tài sản trước đây, kế hoạch này có thể trải qua nhiều khó khăn trước khi nhận được sự ủng hộ rộng rãi, và một số vấn đề pháp lý có thể xảy ra nếu được ban hành.
Trước đó cùng ngày, ông Biden đã đến thăm hiện trường cầu vượt bị sập trên xa lộ liên bang I-95 tại Philadelphia.
Cuối tuần trước, vụ sập cầu đã xảy ra khiến 4 làn đường lưu thông dọc theo đoạn trên cao của tuyến đường cao tốc tấp nập này bị gián đoạn.
Ông Biden cam kết sẽ hỗ trợ hết mình cho chính quyền bang trong việc xây dựng lại cây cầu.
Sự kiện vận động tranh cử ngày 18/6 do AFL-CIO - nghiệp đoàn đại diện cho 12,5 triệu công nhân Mỹ - tài trợ.
Trước đó 1 ngày, nghiệp đoàn này đã công khai ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Ông Biden đã phát động chiến dịch tái tranh cử hôm 25/4, song chưa tiến hành tổ chức bất cứ sự kiện lớn nào cho đến ngày 18/6 qua.
Động thái trên của ông Biden diễn ra trong bối cảnh các ứng viên đảng Cộng hòa đang nỗ lực cạnh tranh để trở thành gương mặt đại diện cho đảng này trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong năm 2024.
Đến nay, cựu Tổng thống Donald Trump vẫn là ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Cộng hòa, bất chấp việc bị truy tố hình sự và vướng vào loạt rắc rối pháp lý./.
Theo HOÀNG CHÂU (TTXVN/Vietnam+)