Bẫy chuột đồng xa

24/01/2020 - 04:39

 - Mùa lúa chín, cánh đồng Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang) như nhuộm một màu vàng óng ả, đây cũng là thời điểm những người xa xứ tìm đến để bẫy chuột.

Đi qua “Cánh đồng  bất tận”

Từ đường chữ U, chúng tôi chạy tuốt vô cánh đồng lúa bát ngát, đến kênh Ninh Phước. Thi thoảng cơn gió bấc lùa về, làm lay động những bông lúa vàng trĩu hạt, như báo hiệu một xuân nữa lại về trên cánh đồng “chó ngáp”.

Ngày trước, nơi đây là một phần của vùng Tứ giác Long Xuyên, phèn dậy đỏ hực. Những lão nông cố cựu kể rằng, dạo trước ở đây ít ai ở lắm! Xa xa mới có một căn nhà lá tạm bợ. Mùa khô phèn nổi vàng rực, cá chết trôi lềnh dềnh, nông dân trồng cây gì cũng quéo rụi. Mùa lũ, bà con chỉ canh tác được lúa mùa nổi, 6 tháng ròng mới thu hoạch.

Về sau, những nông dân chịu khó bám đất, học hỏi kỹ thuật của các nhà khoa học cộng với kinh nghiệm của mình, nhà nước đào kênh xẻ mương ngang dọc, nhờ vậy, những túi phèn được đẩy lùi, nông dân canh tác lúa trúng vụ liên tục. Từ đó, nhiều người đến sinh sống, lập nghiệp, trụ luôn tại “Cánh đồng bất tận” này cho tới bây giờ.

Ông Trần Văn Sia (74 tuổi, ở ấp Giồng Cát) bồi hồi nhớ lại:  “Dạo trước, đồng lúa bạt ngàn, chuột sinh sôi nhiều vô kể. Ngày mùa đến, từ kênh Ninh Phước chạy vô tuốt trong kênh T4, T5, T6, rộn ràng từ đầu trên xóm dưới. Dân tứ xứ tụ hội về đây kẻ gặt lúa người bẫy chuột, đông vui như ngày hội”.

 

Còn chú Năm Léo (Huỳnh Văn Léo, năm nay 55 tuổi) là dân ở huyện Châu Phú vô cánh đồng Lương An Trà bẫy chuột “ngót nghét” 20 năm.

Ngồi trên chiếc ghe bầu chở lỉnh kỉnh rập chuột, chú Năm Léo kể lại, thuở trước ở đây heo hút lắm! Đường đi khó khăn, vợ chồng tôi phải dùng ghe để chở rập chuột vô tận “Cánh đồng chó ngáp” này.

“Lúc mới vô, từ đầu kênh cho tới cuối kênh, vợ chồng tui đếm được chỉ vài ba căn nhà lụp xụp. Đêm xuống, trời tối đen như mực, chuột chạy lạo xạo! Thấy đồng vắng ngắt, vợ tui cứ nằng nặc đòi về” - chú Năm Léo cười khục khặc. Ngày tháng dần trôi, gia đình Năm Léo quen dần với cái xứ “khỉ ho cò gáy” này.

Năm Léo bồi hồi nhớ lại: “Lúc mới vô đây, tui mang theo 500 cái rập chuột. Chạng vạng, vợ chồng tui chia rập đặt quanh các bờ ruộng nằm tuốt đồng sâu. Chuột chạy lào xào dưới ruộng thấy mà ham. Hôm sau, vợ chồng tui đi thăm, bẫy nào cũng dính chuột. Làm ăn được, vợ chồng tui quyết ở lại bám đồng”.

Những năm gần đây, thiên hạ biết Năm Léo bẫy chuột được nhiều, bà con trong xóm dong ghe theo vào tận cánh đồng này để làm ăn. Muốn bắt được nhiều chuột, Năm Léo phải lặn lội khắp đồng nhà đến tận đồng xa.

“Tranh thủ lúa đồng nhà vừa gặt xong cả gia đình nhanh chân chạy sang những cánh đồng lân cận. Thậm chí qua tuốt cánh đồng biên giới Campuchia để đặt bẫy” - chú Năm Léo nói.

“Lãng du” theo dấu chân chuột

Hơn 30 năm trong nghề bẫy chuột, Năm Léo nắm rất rành về những cánh đồng có nhiều chuột trú ẩn. Chỉ tay về cánh đồng lúa chín vàng ươm, Năm Léo cho biết, lũ chuột thường đào hang theo các tuyến đê, bìa rừng tràm. Đêm xuống, chúng men theo lối mòn cắn phá lúa. Những năm trước, có nhiều hộ nông dân canh tác lúa bị chuột cắn phá, thất mùa triền miên.

“Nhờ những người đặt bẫy vào tận cánh đồng này mà chuột giảm mạnh. Bình quân mỗi đêm, 1 người đặt 500 cái rập, bắt dính từ 15-20kg thì nhà nông bớt thiệt hại dữ lắm! Tụi tui cũng có thu nhập từ bẫy chuột”- Năm Léo cười tươi.

Đậu chiếc ghe tam bản gặp dưới kênh H, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tâm (48 tuổi, ngụ xã Bình Long, Châu Phú, An Giang) cũng “đồng hành” cùng Năm Léo, Ba Phương, Sáu Mới, Tư Hem, Hai Ước… vào cánh đồng phèn này để bẫy chuột đồng. Chiếc ghe của vợ chồng anh Tâm giống như “căn nhà di động”, chất lủ khủ đồ đạc, đi tới đâu tá túc, nấu nướng, ăn ngủ tới đó.

“Vợ chồng tui đặt tới 1.000 cái rập chuột. Mỗi đêm bắt dính từ 20-30kg chuột sống, cân xô với giá 30.000 đồng/kg, kiếm được 600.000 đồng, sau khi bỏ sở hụi. Hôm rồi, tui ra chợ Châu Đốc sắm bộ pin năng lượng mặt trời để thắp sáng. Nhờ đi bẫy chuột đồng mà có tiền xài, khỏi đi xa kiếm sống vất vả” - anh Tâm bày tỏ.

Hôm theo anh Tâm vào sâu trong cánh đồng Lương An Trà để bẫy chuột, mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của cái “nghề” tìm dấu chân chuột. Anh Tâm bật mí: “Nơi nào có đường mòn do chuột đi, tui đặt bẫy vào. Đêm xuống, chuột chạy thẳng vào sẽ bị sập bẫy. Không cần phải sử dụng mồi dụ vẫn thu hoạch được nhiều chuột”.

Gia đình anh Tâm ít ruộng rẫy. Nhờ nghề bẫy chuột nên anh có cuộc sống khá ổn định. “Ngày trước, chuột chạy đầy đồng, người ta không thèm ăn. Bây giờ trở thành món ăn khoái khẩu. Vào những tháng ít chuột, giá lên tới 40.000 đồng/kg, thậm chí chuột mần sẵn có giá từ 70.000-80.000 đồng/kg mà không đủ bán”- anh Tâm phấn khởi.

Chiếc ghe lườn của anh Nguyễn Văn Phương đậu gần đó đang tròng trành bởi những cơn sóng vô tình của cánh ghe cào gắn máy công suất lớn lướt qua ầm ào. Sóng vỗ oàm oạp vào mạn ghe, anh Phương giục giã vợ lo buổi cơm chiều để bắt đầu cho cuộc hành trình căng mắt trên đồng để bẫy chuột.

Anh Phương với anh Tâm là bạn “chí cốt” với nhau. Hễ ghe anh Tâm neo đậu ở đâu thì anh Phương tá túc đậu cùng. “Tui và anh Phương là dân xa xứ, cùng cảnh ngộ nên thương nhau lắm. Nơi nào có chuột, anh em cùng chia nhau địa bàn để đặt. Nghề bẫy chuột du mục khắp nơi cho đến khi cận Tết mới trở về quê nhà…” - anh Phương bộc bạch.

Quanh năm, những người đi bẫy chuột đồng thường lãng du khắp nơi. Cuộc sống mưu sinh của họ luôn tất bật theo vòng quay thời gian. 

Bài, ảnh: THÀNH CHINH