Bức tranh phong phú
Nếu có dịp về vùng Bảy Núi những tháng cuối năm, nhất là sau thời điểm gió bấc tràn về, bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt của miền bán sơn địa này. Vì là cuối mùa mưa, nên cỏ cây còn xanh tốt. Dưới ruộng, lúa đang trong thời kỳ thu hoạch, oằn chín bông. Trên đường, hoa dại bung nở trong những sớm mù sương, níu bước chân những người leo thốt nốt đang tất bật vào mùa.
Với tôi, thích nhất là những lúc lang thang khắp nẻo đường Bảy Núi, để ngắm nhìn cảnh vật và tận hưởng cuộc sống đang trôi. Có những người bạn quanh năm bon chen phố thị, được dịp lang thang Bảy Núi cũng thích thú với vẻ đẹp của vùng đất này. Với họ, ấn tượng nhất là khung cảnh những hàng thốt nốt mờ ảo dưới màn sương, trông khá siêu thực. Cây thốt nốt cuối mùa mưa cũng hùng vĩ, tốt tươi, không mang vẻ cằn cỗi như tháng mùa khô, khi phải căng mình cùng nắng gió. Người ở xa tới đây bắt gặp khoảnh khắc ấy sẽ muốn chụp ảnh để lưu lại nét đặc trưng của vùng đất này.
Là người vốn quen với miền Thất Sơn này, tôi thích nhất không khí những tháng cuối năm. Người dân địa phương nói rằng, Bảy Núi đáng sống nhất là trong thời điểm gió bấc hiu hiu thổi và nắng mang cái vẻ dịu dàng ngoài ngõ. Trong thời khắc mùa mưa chưa dứt hẳn, mùa nắng chưa vội đến, người già, trẻ nhỏ đều muốn tận hưởng cảnh vật, khí hậu trong lành của quê mình. Với tôi, không cần phải đến những địa điểm du lịch, cứ tận hưởng sự mát mẻ của thiên nhiên vùng Bảy Núi cũng là điều hấp dẫn.
Những cánh đồng thốt nốt xanh tươi, hình ảnh đặc trưng của vùng Bảy Núi
Một điểm đặc trưng nữa của vùng Bảy Núi là những cung đường rất đẹp. Mỗi lần lang thang qua đó, bạn sẽ choáng ngợp bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Đó có thể là những ngọn núi xa xa trầm mặc, hay những hàng tràm bông vàng rực rỡ, tô điểm thêm cho mảng màu phong phú của đất trời. May mắn nữa, bạn sẽ bắt gặp những ngôi chùa Khmer với kiến trúc độc đáo ẩn hiện giữa cánh đồng thốt nốt già nua. Vì thế, những tay săn ảnh thường lang thang vùng Bảy Núi những tháng đầu Xuân, để tái tạo những khoảnh khắc tươi đẹp của đất và người Bảy Núi.
Cuộc sống “chuyển mùa”
Không chỉ cảnh vật, đời sống người dân địa phương cũng dần chuyển sang trạng thái khác. Mùa mưa dứt, những ô ruộng trên bước vào vụ thu hoạch rộ, thấp thoáng những chiếc máy gặt đập liên hợp lầm lũi đồng xa, hương gốc rạ xộc vào mũi khách đi đường. Lúc này, cuộc sống người dân cũng phấn khởi hẳn lên, bởi nguồn thu sau mấy tháng đợi chờ đã đến. Nơi nào có thủy lợi hoặc dự trữ được nguồn nước, người dân sẽ tranh thủ làm đất, kiếm thêm vụ rẫy chờ Tết đến.
Ở khu vực đất triền dốc, người ta cũng tranh thủ thu hoạch dứt điểm nông sản để tránh mùa nắng. Những ngày này, ông Nguyễn Văn Bảy (ngụ phường An Phú, TX. Tịnh Biên) đang tất bật thu hoạch hơn 2 công củ huyền. Do đất canh tác nằm dưới chân núi, ông chỉ nhờ “nước trời” để có nguồn thu trong những tháng mưa. Tính ra, mùa rẫy năm nay mang đến thu nhập hơn 20 triệu đồng cho ông, nên nông dân này tạm vững bụng đón năm mới đến.
Ông Bảy cho hay, những người có đất canh tác như ông sẽ xuống giống từ tháng 4 âm lịch, khi trời lất phất mưa. Đến tháng 11, mưa dứt, họ bắt tay vào thu hoạch củ huyền, khoai mì công nghiệp, củ sắn. Vụ mùa xong, ông cho đất nghỉ qua Tết, mưa xuống lại bắt tay xuống giống. Cứ thế, qua nhiều thế hệ, người ta trồng rẫy mỗi năm một mùa để có nguồn thu từ đất. Sau đó, đất được trả lại với tự nhiên, người ta chuyển sang công việc khác như nấu đường, buôn bán nhỏ hay tham gia các hoạt động phục vụ mùa hành hương.
Ông Bảy khẳng định, người dân Bảy Núi vốn siêng năng, nên không lo đói. Với những người có điều kiện tham gia phục vụ du lịch, nguồn thu có thể khá hơn những tháng mưa. Do đó, họ thích thời điểm chuyển mùa của đất trời, bởi đó cũng báo hiệu quá trình “chuyển nghề” sang hướng mưu sinh khác, để cải thiện cuộc sống tốt hơn.
Với vẻ đẹp hoang sơ cùng cuộc sống giản dị của người dân, vùng Bảy Núi luôn mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên. Nếu có dịp, bạn hãy thử một lần đến với vùng đất này trong những tháng cuối năm, để tận hưởng thời khắc chuyển mình của đất trời, để yêu mến hơn những người dân chất phác, thật thà miền sơn dã.
MINH QUÂN