Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang: Áp dụng giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 13

24/10/2019 - 07:44

 - Những năm gần đây, nhu cầu bệnh nhân đến khám, chữa bệnh (KCB) tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang (ĐKTTAG) ngày càng tăng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện ĐKTTAG tiếp nhận khoảng 2.000 người bệnh. Do vậy, các thủ tục hành chính cũng như thủ tục vào viện, ra viện, chuyển viện càng phải nhanh gọn, chính xác.

Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, ban lãnh đạo Bệnh viện ĐKTTAG đã xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ đạo các khoa, phòng triển khai thực hiện. Thường xuyên rà soát thủ tục KCB, đặc biệt là KCB bảo hiểm y tế (BHYT) để kịp thời bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp. Thường xuyên giáo dục viên chức, người lao động thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện công khai giờ khám bệnh, quy trình khám bệnh, bảng giá dịch vụ, đối tượng ưu tiên, sơ đồ khoa, phòng, hòm thư góp ý, đường dây nóng, quyền và nghĩa vụ của người bệnh, nhân viên y tế để người bệnh, người nhà người bệnh dễ quan sát, thực hiện.

BSCKII Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKTTAG cho biết, với việc cải tiến chất lượng một cách toàn diện từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, bệnh viện ngày càng nhận được sự hài lòng và lòng tin từ phía người bệnh và thân nhân. Điều này thể hiện qua các con số: nếu như năm 2018 có 491.626 lượt khám bệnh, 9 tháng của năm 2019 có 380.904 lượt; năm 2018 có 66.349 lượt người bệnh nội trú, 9 tháng đầu năm 53.307 lượt. Năm 2018 phẫu thuật và thủ thuật 144.430 cas, 9 tháng đầu năm 117.539 ca. Năm 2018 có gần 1,5 triệu xét nghiệm về sinh hóa, huyết học, vi sinh, thì 9 tháng của năm 2019 đã có 1,138 triệu xét nghiệm.

Khó khăn trong thanh toán tiền khám, chữa bệnh từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện tự chủ tại bệnh viện chưa đạt được hiệu quả

Khó khăn trong thanh toán tiền khám, chữa bệnh từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện tự chủ tại bệnh viện chưa đạt được hiệu quả

Theo BS Tân, quy định hiện nay, việc ban hành giá dịch vụ KCB phải bằng Thông tư 13; việc quyết định mức giá, thời điểm áp dụng giá không thanh toán từ quỹ BHYT của các bệnh viện thuộc địa phương bằng nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp tỉnh nên phải có quy trình, thời gian. Do đó, việc được áp dụng giá không thanh toán từ quỹ BHYT của các bệnh viện rất chậm. Các khoản chi phí trong quá trình vận hành và bảo đảm hoạt động thường xuyên tại bệnh viện rất cao. Chỉ riêng tiền điện, hàng tháng bệnh viện phải chi trả hơn 2 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí quá lớn so với nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công tại bệnh viện. Do đó, đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện tự chủ tài chính: quy định cụ thể về nguồn tài chính của đơn vị. Sử dụng nguồn tài chính; phân phối kết quả tài chính trong năm để bệnh viện thực hiện theo quy định (hiện nay luôn có sự chồng chéo khi thực hiện). Đề nghị giá dịch vụ kỹ thuật KCB tính đủ chi phí. Bởi, hiện nay giá dịch vụ chưa tính đủ chi phí nên khó khăn cho các bệnh viện không tuyển đủ nhân lực để đáp ứng chuyên môn.

BS Tân cho biết, ngày 5-7-2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30-11-2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp. So với Thông tư số 39/2018/TT-BYT, mức giá tại Thông tư số 13/2019/TT-BYT không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ KCB mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1,390 triệu đồng sang mức lương cơ sở 1,490 triệu đồng. Mức giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, mức giá dịch vụ kỹ thuật y tế tăng bình quân 1,1%.

Đối với việc triển khai thực hiện Thông tư số 13/2019/TT-BYT, Bệnh viện ĐKTTAG yêu cầu các khoa, phòng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để áp dụng mức giá và các quy định tại thông tư. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế từng bước xóa bỏ bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường đối với các dịch vụ công có sự kiểm soát của nhà nước; chuyển dần ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các cơ sở KCB sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Bệnh viện ĐKTTAG đã công khai bảng giá dịch vụ tại khoa khám bệnh, nơi đón tiếp, nơi thanh toán viện phí, trên website của bệnh viện. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến việc thu và thanh toán dịch vụ y tế, cải tiến khâu cấp phát thuốc BHYT để giảm thời gian chờ thanh toán cũng như lấy thuốc của người bệnh...

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích